Ngày 06 tháng 11 năm 2024, tại Hội trường ATL (Toà nhà Công nghệ cao) - Khu II, Trường Đại học Cần Thơ diễn ra buổi toạ đàm với chủ đề: “Thơ 1,2,3 trong không gian văn học đương đại”, do Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn (Trường Đại học Cần Thơ) và Hội Nhà văn (Liên hiệp các hội VHNT TP. Cần Thơ) phối hợp tổ chức. Đây là buổi toạ đàm đầu tiên về thơ 1,2,3 - một thể thơ mới ra đời trong những năm gần đây nhưng ít nhiều đã tạo được hiệu ứng tích cực trên thi đàn đương đại, thu hút một bộ phận người sáng tác và nghiên cứu tiếp nhận.
Toàn cảnh buổi tọa đàm thơ 1,2,3 diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ
Về phía Khoa KHXH&NV, có sự tham dự của có sự góp mặt của TS. Tạ Đức Tú (Phó Trưởng Khoa KHXH&NV, Uỷ viên CLB Văn học TP. Cần Thơ), TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phó Trưởng Bộ môn Ngữ văn, Khoa KHXH&NV). Về phía Hội Nhà văn TP. Cần Thơ, có sự tham dự của Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ), Nhà văn Nguyễn Kim Thanh (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TP. Cần Thơ), Nhà thơ Huệ Thi (Chủ nhiệm CLB Văn học TP. Cần Thơ), ThS, Nhà văn Phạm Khánh Duy (Phó Chủ nhiệm CLB Văn học TP. Cần Thơ), Nhà thơ Nguyễn Thuý Dung (Phó Chủ nhiệm CLB Văn học TP. Cần Thơ)...
Toạ đàm cũng là không gian hội ngộ của các khách mời là Nhà Phê bình Lý luận văn học, Nhà văn, Nhà thơ và Nhà báo đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.
- Nhà thơ Phan Hoàng - Người khởi xướng và phổ biến thể thơ 1, 2, 3 (Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam),
- Nhà thơ Lương Minh Cừ (Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam),
- Nhà thơ Trần Thanh Dũng (Hội viên Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng),
- Nhà văn Đoàn Hữu Nam (Hội viên Hội VHNT Lào Cai, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam),
- Nguyễn Minh Ca (Giảng viên Trường Đại học Tây Đô, Uỷ viên CLB Văn học TP. Cần Thơ),
- Nhà nghiên cứu Đỗ Nguyên Thương (Hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ),
- Nhà lý luận phê bình Lê Xuân (Hội viên Hội Nhà văn TP. Cần Thơ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam),
- Nhà thơ Trần Đức Tín (Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)...
Tạ Đức Tú thay mặt Khoa KHXH&NV phát biểu trong buổi tọa đàm
Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên thay mặt Hội Nhà văn TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc
Thơ 1,2,3 - sự cách tân táo bạo
Trong bối cảnh văn học mới, nhận thức được sự cần thiết của việc phải cách tân, nhằm tìm kiếm lối biểu đạt mới, nhà thơ Phan Hoàng đã mạnh dạn khởi xướng và thử nghiệm thể thơ 1,2,3. Không lâu sau đó, thể thơ này đã lôi kéo một lực tác giả nhất định, không chỉ sáng tác và đăng tải trên báo và tạp chí văn nghệ mà còn in thành những tập thơ có giá trị. Viết theo thể thơ 1,2,3, mỗi bài thơ là một chỉnh thể độc lập bao gồm 3 đoạn, 6 dòng thơ. Trong đó, đoạn thứ nhất chỉ có duy nhất một dòng thơ tối đa 11 chữ, đồng thời là nhan đề bài thơ; đoạn thứ hai có hai dòng, mỗi dòng tối đa 12 chữ; đoạn thứ ba có ba dòng, mỗi dòng tối đa 13 chữ. Với yêu cầu đó, người làm thơ buộc phải tinh lọc ngôn từ, kết hợp nhiều pháp nghệ thuật đặc sắc nhằm đem đến cho độc giả tác phẩm có giá trị.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả lần lượt trình bày tham luận với chủ đề xoay quanh đặc trưng của thể thơ 1,2,3, quá trình sáng tác và hoạt động nghiên cứu thơ 1,2,3 ở Việt Nam hiện nay. Đáng nói đến là tham luận “1,2,3 - thể thơ mới, cánh đồng mới, khai phá thêm nhiều hứa hẹn mới” của tác giả Trần Thanh Dũng, “Thơ 1,2,3 trong không gian văn học đương đại” của tác giả Nguyễn Minh Ca,... Từ những tham luận được trình bày, các nhà văn, nhà thơ, giảng viên, học viên, sinh viên có sự hình dung cụ thể hơn về thể thơ độc đáo này, hiểu rõ bản chất, vị thế và triển vọng của thơ 1,2,3 trong bối cảnh văn học đương đại.
Nhà văn Đoàn Hữu Nam trình bày tham luận
Nhà thơ Trần Thanh Dũng trình bày tham luận
Nhà thơ Phan Hoàng - người khởi xướng thể thơ 1,2,3
- Nguyễn Minh Ca trình bày tham luận
Tọa đàm thơ 1,2,3 - một hoạt động bổ ích
Tọa đàm “Thơ 1,2,3 trong không gian văn học đương đại” là cơ hội để sinh viên tiếp cận và giao lưu cùng các nhà văn, nhà thơ - những người nhiều năm cầm bút sáng tác, đã và đang đóng góp cho diện mạo chung của văn học đương đại nói riêng, văn học dân tộc nói chung. Vượt qua giới hạn bản thân, sinh viên ngành Văn học và ngành Báo chí đặt ra nhiều câu hỏi thú vị xoay quanh những vấn đề: bản chất của thơ 1,2,3; điểm khác biệt của thơ 1,2,3 so với các thể thơ đặc trưng của các nền văn học lân cận (tiêu biểu là thơ Haiku của Nhật Bản); yêu cầu của một bài thơ nói chung; quá trình sáng tác một bài thơ; cách thức đưa tác phẩm đi vào đời sống văn chương... Trong khuôn khổ tọa đàm, sinh viên không những nhận về câu trả lời thoả đáng và đầy sức thuyết phục từ các diễn giả mà còn được các nhà văn, nhà thơ tận tay ký tặng các tác phẩm.
Sinh viên Nguyễn Thị Như Ý (lớp Báo chí khoá 50) đặt câu hỏi trao đổi cùng nhà thơ Phan Hoàng
Cũng trong buổi tọa đàm về thơ 1,2,3, bên cạnh các tiết mục ngâm thơ do các nghệ sĩ biểu diễn, sinh viên các ngành Văn học và ngành Báo chí cũng chuẩn bị những tiết mục văn nghệ hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền. Trong đó, tiết mục kịch thơ Cần Thơ - Thành phố tình yêu do sinh viên lớp Văn học và lớp Báo chí khoá 50 trình bày và ca cổ Nước chảy tình quê do Mai Dương Minh Anh (sinh viên ngành Văn học khoá 49 sáng tác và thể hiện) đã góp phần quảng bá, lan toả vẻ đẹp của đất và người Cần Thơ. Đây cũng chính là món quà tinh thần quý giá mà Ban Tổ chức dành tặng cho quý đại biểu đến từ những tỉnh thành, vùng miền khác.
Kịch thơ “Cần Thơ - Thành phố tình yêu” do sinh viên lớp Văn học và lớp Báo chí khoá 50 thể hiện
Ca cổ “Nước chảy tình quê” do Minh Anh (sinh viên ngành Văn học khoá 48) sáng tác và trình bày
Buổi tọa đàm là dấu ấn đặc biệt trên con đường thâm nhập của thơ 1,2,3 vào đời sống văn chương đương đại, cũng là lời hứa hẹn về sự nở rộ của dòng thơ 1,2,3 trong tương lai gần./
Bài: ThS. Phạm Khánh Duy - Ảnh: Đoàn Khoa KHXH&NV