MÙI CỎ
Nguyễn Kim Châu
(PGS. TS. Nguyễn Kim Châu)
Cái máy đuôi tôm đang chạy ngon ơ bỗng khục khục mấy tiếng rồi chết cứng, làm chiếc ghe chòng chành, lững thững ngoẹo đầu vướng vào hàng điên điển. Thảnh làu bàu: “Tiêu rồi! Hết xăng hay chết bugi bất tử vầy trời!”. Hưởng ngồi phía trước, ngoái đầu nhìn Thảnh mở nắp bình xăng kiểm tra rồi quấn sợi dây dù mấy vòng vào bánh trớn, giật mạnh. Cục máy nghẹt mũi, xục xịch phụt khói đen, rùng mình mấy cái... và.. chấm hết!
Chưa bao giờ Hưởng thấy hoảng như lúc này. Hút tầm mắt là giang đồng ngập trắng, lưa thưa mấy vạt cây ngụp mặt ngoi ngóp như sắp chết chìm. Chút ánh sáng mặt trời còn lại nhuộm bầm hàng cây phía chân trời. Không gian lạnh ngắt sau cơn đại hồng thủy, còn anh và Thảnh thì đúng là hai sinh thể bé xíu bám vào chiếc lá cỏ dập dềnh giữa biển nước. Có tiếng chim kêu xao xác, chẳng biết chim gì, tiếng vang từ một nơi âm u, theo nước trôi đi rất xa.
Hưởng ngó Thảnh, cố tìm chút hi vọng. Hóa ra, nó cũng đang chết điếng nhìn cục máy, chẳng biết làm gì. Vậy mà khi xăng xái nhận đưa anh về xã làm mấy số liệu còn lại của công trình nghiên cứu tiềm năng du lịch cho tỉnh, nó vỗ ngực nói thánh: “Yên tâm đi! Tao là dân thổ địa! Đồng nước xứ này, tao nắm trong bàn tay. Mình đi riêng cho tiện. Có hứng thì ở lại, tối, tao dẫn mày đi nhậu đế ôm, vi vu với mấy em gái đồng cho biết”. Hưởng cười: “Gái đồng thì có gì đặc biệt?”. Thảnh lắc đầu: “Mày dốt! Chỉ chạy theo mấy em gái thành, dàn ngoài coi sướng mắt vậy chứ thịt da bở rệu. Nào biết gái miền Tây nổi tiếng khắp nước!”. Hưởng ngó bạn, cái nhìn săm soi như muốn đếm thử mấy phần trăm sự thật trong lời nói tưng tửng. Thảnh trợn mắt: “Thiệt mà! Tao hay đi công tác, du lịch cùng sếp, ra tới Lạng Sơn, Móng Cái, Hạ Long, Hải Phòng,.. hễ vô mấy chỗ thư giãn là được giới thiệu đặc sản gái đồng bằng… Không tin hả? Quyết định nghe! Đêm nay ở lại dưới xã cho mày mở mang kiến thức. Không chừng chuyến này về, mấy cái công trình nghiên cứu du lịch của mày quăng ráo trọi!”. Ừ, thì đi!...
…Điện thoại của Hưởng nhận một tin nhắn mới: “Rảnh không? Đến bar Hoàng Hôn đi!”. Tuyết đấy! Hưởng cười như mếu, bấm phím: “Đang bận việc! Tối mai nghe!”. Mắt Thảnh sáng rỡ khi thấy Hưởng cầm điện thoại: “Đúng rồi! Đưa đây! Tao alô, kêu mấy thằng lính ruột vô rước!”. Hưởng lắc đầu nhìn ký hiệu báo tin nhắn không gửi được: “Hết tiền! Điện thoại mày đâu?”. Thảnh cười ngỏn nghẻn: “Hết pin rồi! Mẹ cha nó! Xui thiệt!”. Cả hai nhìn nhau rồi nhìn đồng nước. Hèn lâu, Thảnh đứng dậy chụp cây sào: “Đi! Chắc thế nào cũng kiếm được nhà dân. Chẳng lẽ bó tay chịu chết”. Hưởng cũng vói tay lấy cây dầm thọc xuống nước. Người chống, người bơi, mướt mồ hôi mà chiếc ghe nhỏ chỉ lắc lư, trở mình nhích từng chút, sốt cả ruột!
Mặt trời lặn từ lúc nào. Quanh Hưởng, giờ chỉ còn nước và bóng tối. Cả hai phần mông lung của thế giới đêm ép chặt khiến trái tim anh thoáng quặn lên một nỗi sợ khôn cùng. Có lần, Hưởng đã từng sống trong cảm giác khó chịu như vậy. Đó là đêm anh thức giấc và nhận ra mọi thiết bị điện đều tắt. Căn phòng ngủ tối om, đưa bàn tay ra, cố hết sức mà chẳng thấy tay mình. Lò dò lại cửa sổ, mở tung ra, từ căn hộ trên cao, anh nhìn cả thành phố chìm trong bóng tối mà ớn lạnh sống lưng, cứ tưởng mình là người duy nhất sót lại sau trận thảm họa tận diệt. Hưởng khóc lúc nào không biết! Những giọt nước mắt ngớ ngẩn sót lại đâu đó trong ký ức tự nhiên lăn dài xuống mặt nóng hổi khiến anh đỏ mặt, phì cười. Ngày còn nhỏ, hễ chiều tối, ngồi ngoài bực cửa nhìn ra vườn là Hưởng khóc. Đám anh em xúm lại chọc quê: “Lêu lêu! Đồ mít ướt!”. Hưởng không cãi được, cục tức nghẹn trong họng khiến nước mắt càng chảy nhiều hơn. Lần nào, má cũng đến ngồi cạnh, lấy vạt áo bà ba lau nước mắt cho anh rồi ôm anh vào lòng. Hưởng nhớ như in cảm giác được dụi mặt vào lòng má, được ưu tiên che chắn an toàn. Ngực má tròn căng, ấm lắm, lại có mùi mồ hôi mằn mặn lẫn trong mùi cỏ tươi, thứ cỏ lác ngoi lên từ đồng nước, lấm láp bùn phèn nên ngai ngái, hăng hăng, hơi khó chịu nhưng lâu dần lại đâm ghiền. Những người tình qua đêm trong đời Hưởng luôn thấy lạ khi thấy anh cứ dụi mặt vào mảng ngực trần của họ khi ngủ như một phản xạ tự nhiên. Họ không bao giờ biết rằng những lúc như vậy, trong mơ, Hưởng vẫn quằn người chịu đựng nỗi nhớ cồn cào vùng ngực ấm của người mẹ đã đột ngột bỏ đi lúc anh mười tuổi. Anh không biết lý do. Cũng không ai cho anh biết lý do nên Hưởng cứ nghĩ, ngày mai, tháng sau, năm sau,.. thế nào má cũng sẽ về. Anh chông chênh đợi để một ngày giật mình nhận ra đã ở cái tuổi bốn mươi chưa già nhưng chẳng còn trẻ nữa mà vẫn chưa tìm thấy cô gái nào có vùng ngực ấm, nồng nồng mùi cỏ tươi như của má khi xưa…
… Đêm hạ tuần, khuya lắm mới có trăng. Chiếc ghe lọ mọ đi mù, chậm chạp trôi trong bóng tối, trên biển nước, dưới cơn mưa bắt đầu lắc rắc nhểu hạt… Mây cuộn trắng mờ trên trời và gió rít u u trên ngọn trâm bầu đứng lắc lư dầm nước. Hưởng hỏi cho có, chỉ để biết rằng, giữa đồng nước xa lạ này, anh còn một người đồng hành: “Thảnh à! Mày đi vầy, chắc ở nhà lo lắm?”. Thảnh dừng tay chống sào, thở dài đánh sượt: “Lo gì mày ơi! Tao có chết sình trên đồng nước này, ba ngày sau cũng chẳng ai biết! Nhà mỗi người cái chìa khóa, mạnh ai nấy đi. Vợ thì tối ngày ngoài tiệm vàng. Con thì cắm chốt phòng game. Có lần, tao lên Sài Gòn cả tuần mới về. Thằng con gặp tao xách giỏ đứng ở phòng khách, hỏi: Ủa, tính đi đâu vậy ba? Mày coi có buồn không?”. Hưởng bần thần, như thấy trước mắt cảnh Thảnh đứng chết trân nhìn thằng con, chẳng biết nên mắng nó một trận hay bỏ nhà đi tiếp. Hèn gì, Thảnh khoái xa nhà, ai rủ đi chơi là ok, sống chết gì cũng đi ngay...
Đang chống ghe, Thảnh chợt lắp bắp, chỉ tay: “Kia kìa! Có đèn! Tao đã nói mà! Thế nào cũng có nhà dân”. Hưởng dụi mắt mấy lần, nhìn kỹ quầng sáng chấp chới giữa rặng cây tối thẫm, có cảm giác như đó chỉ là ánh sáng phản chiếu từ một ngôi sao mới mọc le lói trên trời. Chẳng ai bảo ai, cứ cắm đầu chống sào bơi dầm. Đến gần mới nhận ra đó là ánh sáng từ cái lều nhỏ trên giồng đất, cả hai tấp ghe lại, xăm xăm đi vào.
Trong lều, chỉ thấy một ông già đang ngồi bên mâm cơm vừa dọn. Thảnh lẹ làng chào: “Bác, tụi cháu lỡ đường, ghe hư máy. Bác cho ngủ nhờ một đêm, nghe!”. Ông già nín thinh, tay vẫn cầm chén cơm mới xới phân nửa, ngước mắt, trâng trối nhìn hai kẻ từ trên trời rơi xuống. Thảnh sốt ruột nói thêm: “Bác đừng sợ. Tụi cháu là người đàng hoàng, trên tỉnh về công tác”. Những nét nhăn căng thẳng trên gương mặt ông già hơi dãn ra sau một lúc dò xét ngại ngần. Ông đặt chén cơm xuống rồi chỉ tay về phía đối diện: “Ngồi đi!”. Thảnh sà xuống, chăm chăm ngó nồi canh chua cá rô nấu với bông điên điển và chén nước mắm thơm lựng.
Hưởng đảo mắt khắp căn lều, nhận ra nơi đây không có vết tích nào của cuộc sống hiện đại: Ngọn đèn dầu đặt trên nền đất, cái bếp làm bằng ba cục đất ông táo đặt ấm nước đen kịt bồ hóng, cái chõng tre nằm sát vách lá, chiếc bàn nhỏ có đặt lư hương và tấm ảnh ố vàng, chỉ lờ mờ thấy một người đàn bà không còn trẻ, gương mặt hao hao ai đó mà Hưởng chưa kịp nghĩ ra. Ông già có vẻ hoạt bát hơn, chỉ tấm ảnh nói: “Vợ tui đó! Mất lâu rồi. Thôi, ngồi đi cậu, làm mấy ly ấm bụng rồi ăn cơm nghe?”.
Mắt Thảnh sáng rỡ. Nó quất thẳng một ly đế đầy, chép miệng, hít hà: “Hên thiệt! Bữa nay gặp bác. Nếu không, chắc tụi cháu rục xương trong đồng nước quá”. Ông già cũng ực hết ly, cởi mở nở nụ cười móm mém: “Không sao! Để sáng, tui đưa hai cậu ra lộ cái. Lớ ngớ, lạc vô bưng sâu, chết như chơi!”. Hưởng nhẩn nha cầm ly rượu, định uống phân nửa nhưng thấy ông già trừng mắt, đành ngửa cổ, dốc cạn. Rượu nhạt, có mùi dễ chịu, hậu ngọt nhưng vào tới bụng thì nóng ran, mới mấy ly đã lử đử say, chắc vì bao tử trống trơn từ trưa đến giờ. Thảnh cũng đã ngà ngà. Cái thằng quen thói huyên thuyên, chẳng kể quen lạ, rượu vô là phun ra đủ chuyện trên đời. Thảnh nói, đó là một nghệ thuật. Phải biết mua chuyện, lấy lòng sếp, tạo không khí thân thiện với đối tác,.. chứ chẳng lẽ cứ ngồi đực ra uống rượu. Nhậu mà ngọng miệng, chẳng biết khuấy động phong trào, mai mốt, chó nó thèm kêu. Chẳng biết Thảnh có làm vừa lòng ông già không, chỉ thấy lúc gần hết chai đế, nó bò lại chõng tre, lăn ra ngáy.
Ông già cười cười, ngó Hưởng: “Bạn cậu vui thiệt!”. Hưởng ái ngại: “Cái thằng xởi lởi, phổi bò. Nó vậy đó bác. Có gì trật, bác bỏ quá cho!”. Ông già phẩy tay: “Có gì đâu! Ăn cơm đi!”. Bây giờ, Hưởng mới chú ý thấy chén cơm xới đầy đặt cạnh chén cơm của ông già. Hưởng hỏi: “Ai vậy bác?”. Ông già à lên một tiếng: “Con gái tui. Nó đi ngoài đồng, sắp về”. Nói xong, ông gắp nửa con cá rô đặt vào chén cơm xới đầy bên cạnh.
Hưởng nghe tiếng nước xao động, tiếng chân người ngoài lều. Ông già nói như reo: “Đó, con gái tui! Nó về rồi”. Anh lơ mơ quay ra, ngây người ngó cô gái đang bước vào. Hình như, cô vừa dầm mưa trở về. Những giọt nước ròng ròng chảy trên tóc, trên gương mặt thanh tú, trên bộ quần áo ướt bết vào da thịt bắt ánh sáng từ ngọn đèn dầu cứ lấp lánh như những hạt lân tinh. Có một vùng tối ở chỗ cô đang đứng che khuất khiến những chi tiết của gương mặt bị nhòe đi. Chỉ thấy đôi mắt đang nhìn anh, ánh nhìn xa vắng, thấm cái quạnh quẽ của đồng nước lúc chiều sẫm. Cứ như ai đó rất quen, từ cõi tiềm thức lãng đãng sương khói, đang nhìn Hưởng qua đôi mắt cô gái, khiến anh rùng mình. Ông già cất tiếng gọi: “Vô thay đồ rồi ăn cơm đi, con!”. Cô gái làm thinh, đi ngang qua Hưởng, rất gần, tưởng như hơi thở nhẹ và mỏng của cô vừa chạm vào lưng anh. Thoáng chốc, cô đã đứng sau tấm màn vải ở cuối lều. Chỉ nghe tiếng vải ướt sột soạt cũng đủ biết cô gái đang thay bộ đồ sũng nước.
Thốt nhiên, Hưởng lạnh người! Anh nhận ra một mùi hương rất lạ vừa thoảng qua đâu đó đã lấp đầy không gian trong lều. Nó làm anh ngạt thở, hoa mắt, trái tim như ngừng đập! Anh quay lại chỗ tấm màn, bất giác ứa nước mắt khi biết chắc rằng cái mùi ấy tỏa ra từ thân thể cô gái. Chao ôi! Đúng nó rồi!... Cái mùi cỏ tươi nồng nồng, ngai ngái lẫn trong mùi mằn mặn, găn gắt của bùn phèn và mồ hôi!... Ba mươi năm, nó lấp đầy khoảng trống hụt phần ký ức trẻ con trong anh bằng niềm khao khát mòn mỏi một bầu ngực tròn căng. Nó thấm nỗi nhớ da diết vào máu anh thành cơn tê thấp bải hoải, nhay nhức xương cốt mỗi lúc trở trời. Nó phiêu linh vào tận ngóc ngách sâu hút giấc mơ anh, đánh thức cảm giác bị hắt hủi, ghẻ lạnh trong những chiều giông gió, rưng rưng nhìn ra vườn tối mà không có má. Chưa bao giờ anh nghĩ rằng còn có thể gặp lại nó trong thực thể hiện hữu, đầy đặn, rõ ràng như lúc này!...
Hưởng bật khóc sảng sốt, vừa khóc, vừa lồm cồm bò dậy, lảo đảo chạy đến giật vội tấm ảnh trên bàn thờ, đặt sát vào quầng sáng ngọn đèn. Tấm ảnh mềm oặt như sắp bủng thành bột. Mắt Hưởng nhòe nhoẹt nước, chùi mãi mà nước vẫn trào ra khiến anh không nhìn rõ được gương mặt. Hưởng nhào đến chỗ ông già, hai bàn tay xiết vai ông chặt cứng: “Bác! Ai vậy? Nói dùm cháu đi. Bà này tên gì??”. Ông già điếng người ú ớ. Hình như ông có trả lời nhưng tai Hưởng lùng bùng, âm âm. Có cái gì đó vừa nổ tung, đổ sụp, tan nát trong anh. Rất mơ hồ, Hưởng cảm thấy ai đó đang đè cứng anh xuống đất, rồi gỡ những ngón tay co quắp của anh ra để giằng lấy tấm ảnh. Hưởng giãy giụa, cố bấu chặt lấy nó như đang cuống quýt níu giữ một chỗ bám mong manh trên vách đá lưng chừng trời. Anh qưằn người thét gọi nhưng chẳng ai trả lời. Quanh anh, chỉ có nước và bóng tối…
…Hưởng tỉnh dậy trong một trạm y tế vắng hoe. Anh nghe tiếng Thảnh từ ngoài cửa: “Mừng quá! Tao vừa tính mướn xe cấp cứu đưa mày về thành phố”. Hưởng uể oải, hỏi: “Sao tao vô đây?”. Thảnh tròn mắt, ngạc nhiên: “Thiệt tình là mày không nhớ gì hả?”. Hưởng nhăn mặt: “Tao chỉ nhớ lúc tụi mình lạc trong đồng nước, rồi… ghé lều ông già,.. rồi mày uống rượu say… Còn sau đó thì lờ mờ!”. Thảnh cười: “Thôi đi ông tướng! Mày say quắc cần câu thì có. Say xong rồi nóng sốt, mê sảng, la hét phát sợ. Tao với ông già đưa mày ra đây. Mày mê man hai ngày rồi. Biết chưa?”. Hưởng ngơ ngác: “Còn cô gái?”. “Cô gái nào?”. Hưởng lắp bắp: “Cô gái, con ông già! Đêm đó, mày say, cổ mới về lều”. Thảnh lo lắng, sờ tay lên trán Hưởng: “Chắc mày chưa thiệt tỉnh quá! Con gái ổng chết năm rồi. Ổng dọn cơm, bới một chén đầy, để kế bên, kêu con về ăn. Mày không nhớ à?”. Hưởng vỗ vỗ bàn tay lên trán. Đầu anh vẫn còn nhưng nhức, nằng nặng, nhập nhằng, chẳng biết mình vẫn còn lang thang trong đồng nước mơ thấy trở về nhà hay ngược lại. Hưởng lấy tay dụi một giọt nước còn đọng lại trong mắt từ lúc nào không rõ, băn khoăn hỏi thêm: “Vậy còn tên ông già, mày biết không?”. Thảnh ngớ người: “Thôi chết! Tao quên hỏi. Đưa mày ra lộ cái xong, ổng quay xuồng đi luôn”…
NGUYỄN KIM CHÂU
Tháng 9.2011