HỘI THẢO “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY VĂN HỌC BẬC ĐẠI HỌC VÀ SAU ĐẠI HỌC” - NHÌN LẠI VÀ BƯỚC TIẾP

          Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đang có những bước đi thiết thực nhất để đổi mới hoạt động của nhiều lĩnh vực. Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng điểm. Nhận thức được cần phải đổi mới hoạt động giảng dạy Văn học để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn - Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học”. Sáng ngày 01 tháng 12 năm 2024, tại Hội trường ATL (Khu II, Trường Đại học Cần Thơ), buổi Hội thảo đã diễn ra thành công, quy tụ nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên đến từ các cơ sở giáo dục trong và ngoài khu vực. Về cơ bản, Hội thảo đã hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

          Nhìn lại và bước tiếp

          Văn học là một trong bảy môn nghệ thuật cơ bản, chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Từ lâu, Văn học đã trở thành một chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục Đại học. Tại Trường Đại học Cần Thơ, bên cạnh ngành Sư phạm Ngữ văn (thuộc Trường Sư phạm) thì ngành Văn học bậc Đại học và Văn học Việt Nam bậc cao học (thuộc Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn) tập trung giảng dạy các kiến thức về lý luận văn học, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, ngôn ngữ học, các hướng phê bình văn học ... nhằm trang bị cho sinh viên hành trang tốt nhất để sinh viên vững vàng, giỏi về chuyên môn lẫn kỹ năng cần thiết sau khi ra trường, phục vụ cộng đồng và kiến tạo những giá trị bền vững.

 

PGS. TS Nguyễn Kim Châu và TS. Trần Thị Nâu - Chủ toạ Hội thảo

          Nhiều năm qua, việc giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học của Trường Đại học Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu. Nhiều sinh viên, học viên sau khi ra trường tìm được việc làm đúng ngành nghề, đúng nguyện vọng bản thân. Môi trường làm việc tạo điều kiện để sinh viên, học viên phát huy tốt năng lực, sử dụng tốt các kiến thức được học trong trường Đại học. Sinh viên, học viên ngành Văn học bậc Đại học và Văn học Việt Nam bậc cao học sau khi ra trường đã trở thành giảng viên, giáo viên, phóng viên, biên tập viên ... góp phần xây dựng xã hội thịnh vượng. Từ kết quả đó, phải khẳng định rằng, hoạt động giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học nhiều năm qua đạt chất lượng cao.

          Thế nhưng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật cùng với nhu cầu của người học cũng có sự thay đổi theo thời đại, việc giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học đã và đang gặp nhiều thách thức. Điều này là do lượng kiến thức thay đổi hằng ngày, giữa lý luận và thực tiễn cũng có sự chênh lệch, nhu cầu cạnh tranh thông tin trong thời đại công nghệ số... Việc đổi mới phương pháp giảng dạy Văn học sao cho phù hợp với bối cảnh giáo dục mới đang là vấn đề nan giải. Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” vì thế càng có ý nghĩa hơn. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và vẽ ra con đường mới để bước tiếp trong thời gian tới.

          Những tham luận giá trị

          Từ khi thông báo Hội thảo được công bố đến nay, Ban tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” nhận được nhiều tham luận từ các tác giả đến từ nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài khu vực. 15 tham luận được in trong Kỷ yếu là sự chọn lựa công phu của Ban tổ chức, trong đó có những tham luận của các tác giả hiện đang là nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên, học viên ở các cơ sở giáo dục như: Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế (Thành phố Huế), Trường Đại học Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn Hiến (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (An Giang), Trường THPT Thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Thành phố Cần Thơ)...

Những người tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm ngoài Hội trường   

          Chỉ trong một buổi sáng làm việc, người tham dự Hội thảo đã được nghe năm tham luận của các tác giả: TS. Hà Thanh Vân, TS. Nguyễn Đăng Hai, TS. Huỳnh Vũ Lam, ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương, TS. Bùi Thị Thuý Minh. Tham luận “Trường phái Ngữ Văn Đức và việc vận dụng trong giảng dạy lý luận văn học và lịch sử văn học” của TS. Hà Thanh Vân (Trường Đại học Hùng Vương) trình bày những vấn đề xoay quanh tiền đề phát triển của trường phái Ngữ Văn Đức, mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời giữa trường phái Ngữ Văn Đức với lịch sử của nó, giữa sáng tạo với lịch sử văn học, giữa tác giả văn học và phong cách văn học. Từ đó, đi đến khẳng định: “Trường phái Ngữ Văn Đức cho chúng ta một cái nhìn đa dạng hơn về lịch sử văn học và tác giả, tác phẩm văn học. Việc vận dụng những lý thuyết của trường phái Ngữ Văn Đức vào công việc giảng dạy Ngữ Văn ở bậc đại học, qua những thao tác cụ thể, sẽ làm cho việc giảng dạy văn học được sâu sắc và toàn diện hơn”.

TS. Hà Thanh Vân báo cáo tham luận

          Tham luận “Giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên ngành Văn tại các Trường Đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay” của TS. Nguyễn Đăng Hai (Trường Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh vai trò của giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên. Từ đó, tác giả đã đưa ra những đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo sinh viên ở các Trường Đại học Việt Nam hiện nay. 5 giải pháp mà TS. Nguyễn Đăng Hai đưa ra lần lượt là: (1) các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu, xây dựng một hệ giá trị thẩm mỹ để làm cơ sở, định hướng cho hoạt động giáo dục; (2) các học phần về mỹ học và nghệ thuật nên được tổ chức theo hướng đa dạng và linh hoạt; (3) việc giáo dục thẩm mỹ cũng cần có sự phối hợp với các phương tiện truyền thông như điện ảnh, báo chí; (4) các cơ sở giáo dục cần cân nhắc định kỳ tổ chức các tuần lễ về nghệ thuật phương Đông và phương Tây theo từng loại hình, chủ đề phù hợp; (5) cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để thiết kế một chương trình giáo dục thẩm mỹ riêng, phù hợp với môi trường giáo dục nước nhà.

TS. Nguyễn Đăng Hai báo cáo tham luận

          Tham luận “Hướng tiếp cận thực tiễn - Một bổ sung quan trọng cho dạy Văn học Dân gian ở bậc Đại học theo định hướng phát triển năng lực” của TS. Huỳnh Vũ Lam (Trường THPT Thành phố Sóc Trăng) bàn về vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học dân gian trong cho sinh viên. Theo TS. Huỳnh Vũ Lam, để các học phần Văn học Dân gian được sinh động, giảng viên cần đổi mới cách soạn giáo trình, từ giảng dạy, phân tích, cảm thụ văn bản chữ viết đến diễn xướng, sân khấu hoá tác phẩm... Đó là cách để tác phẩm văn học dân gian đến gần với sinh viên hơn. TS. Huỳnh Vũ Lam viết: “Giảng dạy Văn học Dân gian trong bối cảnh giáo dục Đại học hiện đại không chỉ đơn thuần là việc truyền tải kiến thức về các tác phẩm dân gian mà còn là quá trình xây dựng và phát triển cá nhân người học. Những năng lực này bao gồm khả năng tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng vận dụng kiến thức liên ngành”.

TS. Huỳnh Vũ Lam báo cáo tham luận

          Nhóm tác giả: ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương và sinh viên Trương Hoàng Hân (Trường Đại học An Giang) gây ấn tượng với tham luận “Giải pháp nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên Văn học Trường Đại học An Giang” - một báo cáo có giá trị về phương pháp giảng dạy sao cho hấp dẫn, phù hợp với bối cảnh giáo dục mới. Nhóm tác giả cho rằng, việc nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với các cơ sở giáo dục Đại học. Lấy Trường Đại học An Giang - nơi mà nhóm tác giả công tác và học tập làm minh chứng, ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương cụ thể hoá việc đổi mới phương pháp giảng dạy Văn học bằng cách thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đa dạng hoá các hình thức kiểm tra đánh giá, tổ chức toạ đàm văn học, phát huy hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ Văn học,...

ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương báo cáo tham luận

           Bùi Thị Thuý Minh và ThS. Đỗ Thị Xuân Quyên (Trường Đại học Cần Thơ) cũng đóng góp tham luận về lĩnh vực lý luận phê bình Trung Quốc: “Ý nghĩa của từ Văn Tâm trong lý luận phê bình văn học Trung Quốc cổ điển”. Nhóm tác giả lý giải dựa trên quan điểm của Lưu Hiệp, Kim Thánh Thán... Họ đều là những học giả rất xuất sắc của Trung Quốc. Lý luận phê bình Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến lý luận phê bình Việt Nam, bởi lẽ đó, việc tìm hiểu ý nghĩa của hai từ “Văn Tâm” là vô cùng cần thiết. Thông qua các phương pháp nghiên cứu như thống kê, phân tích, so sánh,... tham luận của TS. Bùi Thị Thuý Minh và ThS. Đỗ Thị Xuân Quyên đã làm rõ quan niệm về văn tâm qua tác phẩm lý luận cụ thể của Lưu Hiệp và việc vận dụng trong bình điểm của Kim Thánh Thán, tìm hiểu sự phong phú trong nội hàm khái niệm và xác định ý nghĩa thường dùng của thuật ngữ văn tâm trong ngữ cảnh văn bản cụ thể. Tham luận đã được TS. Bùi Thị Thuý Minh trình bày thuyết phục tại Hội thảo.

TS. Bùi Thị Thuý Minh báo cáo tham luận

          Ngoài những tham luận được lựa chọn báo cáo tại Hội thảo, tham luận của các tác giả khác cũng đầy tính học thuật, khoa học. Các tác giả đã ứng dụng các lý thuyết phê bình văn học phương Tây để lý giải, phân tích, giải mã, khám phá, thâm nhập vào từng tác phẩm văn học, khuynh hướng văn học, mảng sáng tác hoặc các tác giả cụ thể. Không thể không để đến tham luận “Hành trình nữ quyền trong văn học Việt Nam” của TS. Hồ Tiểu Ngọc (Trường Đại học Sài Gòn) - người nghiên cứu rất sâu về lý thuyết giới và mối quan hệ của nó với văn chương, tham luận “Chấn thương di căn trong tiểu thuyết về chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary” của ThS. Phạm Khánh Duy (Trường Đại học Cần Thơ) - ứng dụng lý thuyết phê bình chấn thương để lý giải trường hợp tiểu thuyết chống chế độ diệt chủng của các nhà văn Việt Nam sau 1975 hay “Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thơ trước và sau chiến tranh nhìn từ lý thuyết diễn ngôn” của ThS. NCS Võ Minh Nghĩa (Trường Đại học Văn Hiến) đã ứng dụng lý thuyết diễn ngôn để phân tích các tác phẩm thơ tiêu biểu viết về người phụ nữ trong văn học hiện đại. Ngoài ra, các tham luận: “Tiểu thuyết ‘Đức Phật, nữ chúa và điệp viên’ của Hồ Anh Thái từ góc nhìn xã hội học văn học” của Thích Nữ Nhuận Ân Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), “Vấn đề xác định miền nguồn và miền đích trong ẩn dụ ý niệm: Nghiên cứu trường hợp ẩn dụ ý niệm trong bài thơ ‘Đám ma bác Giun’ của Trần Đăng Khoa” của TS. Đào Duy Tùng (Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự... cũng có giá trị khoa học rất lớn.

          Từ những tham luận được báo cáo và các ý kiến thảo luận, Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” góp phần phác thảo những định hướng giảng dạy Văn học trong thời gian tới. “Nhìn lại và bước tiếp” - chữ dùng của PGS. TS. Nguyễn Kim Châu (Chủ tọa Hội thảo) tuy đơn giản nhưng sâu sắc và đầy ý nghĩa. Để chuẩn bị tốt hành trang và bước đi trên hành trình mới, “nhìn lại” là điều vô cùng cần thiết. Có thể khẳng định rằng, Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” sẽ là tiền đề vững chắc để người dạy Văn định hướng phương pháp giáo dục mới hiệu quả hơn./.

Bài: ThS. Phạm Khánh Duy

Ảnh: Đoàn Khoa KHXH&NV