ĐẠI HỘI CHI BỘ NGỮ VĂN LẦN THỨ VI NHIỆM KỲ 2025-2027: PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT, THỰC HIỆN PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ MỚI

Vào lúc 08 giờ 00 phút, ngày 19 tháng 12 năm 2024, Chi bộ Ngữ văn đã tổ chức thành công Đại hội Chi bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025-2027 tại Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ. Đại hội diễn ra trong không khí trang trọng, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và đổi mới.

Toàn cảnh diễn ra Đại hội

Đại hội Chi bộ là một hoạt động quan trọng được tổ chức định kỳ theo nhiệm kỳ. Tính đến nay, Chi bộ có tổng cộng 10 đảng viên, gồm các đồng chí có phẩm chất chính trị vững vàng, giàu năng lực chuyên môn và nhiệt huyết với công tác Đảng.

Đảng viên Chi bộ Ngữ văn chụp ảnh lưu niệm cùng Qúy Đại biểu khách mời

Trong nhiệm kỳ 2022-2025, Chi bộ Ngữ văn luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát từ Đảng bộ Trường và Đảng ủy Khoa. Sự phối hợp chặt chẽ với các chi bộ khác và tinh thần đoàn kết nội bộ đã giúp Chi bộ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tạo nên nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp trên cùng với nỗ lực của các đảng viên, Chi bộ Ngữ văn đã và đang khẳng định vai trò trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và xây dựng môi trường giáo dục tích cực, đóng góp vào sự phát triển của Khoa và Nhà trường.

Đại biểu tham dự Đại hội:

  • Đồng chí Bùi Thanh Thảo – Đảng ủy viên Trường ĐHCT, Bí thư Đảng ủy Khoa, Trưởng Khoa KHXH&NV.
  • Đồng chí Thạch Chanh Đa – Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Xã hội học, Chánh Văn phòng Khoa.
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Nhân – Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Bộ môn Lịch sử - Địa lý – Du lịch.
  • Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Oanh – Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Sinh viên, Phó Trưởng Bộ môn Ngữ văn.

Cùng với sự tham dự của toàn thể 10 đảng viên Chi bộ Ngữ văn.

Ngay đầu chương trình, Đại hội đã nhất trí bầu Đoàn Chủ tịch gồm:

+ Đồng chí Trần Văn Thịnh – Bí thư Chi bộ.

+ Đồng chí Bùi Thị Thúy Minh – Phó Bí thư Chi bộ

Đoàn Thư ký được bầu gồm các đồng chí:

+ Đồng chí Nguyễn Đăng Hai

+ Đồng chí Lê Thị Đan Thanh.

  • Trong nhiệm kỳ 2022-2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Khoa, Chi ủy Chi bộ Ngữ văn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng và phát triển chuyên môn. Một số thành tích nổi bật như:

    • Lãnh đạo giảng viên và sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, vượt chỉ tiêu đề ra.
    • Phát triển đội ngũ đảng viên mới, trẻ và nhiệt huyết.
    • 100% đảng viên giảng dạy vượt giờ chuẩn và tham gia nghiên cứu khoa học.
    • Thực hiện thành công kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Văn học.

    Trong quá trình diễn ra Đại hội, Đồng chí Nguyễn Kim Châu cũng đã đóng góp những ý kiến cho nhiệm kỳ tới và nhấn mạnh: “Ưu điểm lớn nhất của Chi bộ là tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Đây chính là nhân tố quyết định sự thành công trong suốt nhiệm kỳ qua.”

    Bên cạnh những thành tích, Chi bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn và hạn chế để tiếp tục điều chỉnh, ứng phó kịp thời, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đề ra và phát triển Chi bộ trong nhiệm kỳ 2025-2027.

Đồng chí Nguyễn Kim Châu có những ý kiến đóng góp, chia sẻ cho nhiệm kỳ tới

Đại hội đã thảo luận và thống nhất đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ 2025-2027:

  • Phát triển năng lực chuyên môn đội ngũ giảng viên, khuyến khích học viên và cán bộ học lên trình độ Tiến sĩ.
  • Nâng cao chất lượng cố vấn học tập và hỗ trợ sinh viên trong học tập và nghiên cứu.
  • Xây dựng giáo trình điện tử phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.
  • Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo từ Lãnh đạo Đảng ủy Khoa

Phát biểu tại Đại hội, Đồng chí Bùi Thanh Thảo – Đảng ủy viên Đảng bộ Trường ĐHCT, Bí thư Đảng ủy Khoa KHXH&NV đã biểu dương những thành tích của Chi bộ Ngữ văn trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, đồng chí đã có những trao đổi, chia sẻ:

  • Chi bộ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và sáng tạo trong công tác giảng dạy, nghiên cứu.
  • Đẩy mạnh việc hỗ trợ sinh viên và học viên cao học, đặc biệt là về ngoại ngữ và kỹ năng nghiên cứu.
  • Khuyến khích các cán bộ tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường nghiên cứu và biên soạn giáo trình.

Đồng chí Bùi Thanh Thảo phát biểu tại Đại hội

Với tinh thần dân chủ theo quy chế bầu cử và đề án nhân sự bầu cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2027. Đại hội đã tiến hành bầu cử theo đúng quy trình và kiểm phiếu nghiêm túc.

Hình ảnh các Đảng viên tiến hành bỏ phiếu bầu cử

Ban chấp hành Chi bộ Ngữ văn nhiệm kỳ 2022-2025 nhận quà lưu niệm

Đại hội đã bầu ra Chi ủy nhiệm kỳ mới gồm 03 đồng chí:

  1. Đồng chí Trần Văn Thịnh – Bí thư Chi bộ.
  2. Đồng chí Bùi Thị Thúy Minh – Phó Bí thư Chi bộ.
  3. Đồng chí Đỗ Thúy Vy – Chi ủy viên.

 

Ban chấp hành nhiệm kỳ mới 2025-2027 ra mắt Đại hội

Chi ủy mới đã ra mắt Đại hội và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, lãnh đạo Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới 2025-2027.

Sau khi thảo luận và biểu quyết, Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết với 100% phiếu tán thành đã nêu rõ các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể trong nhiệm kỳ mới, thể hiện sự quyết tâm của toàn thể đảng viên Chi bộ Ngữ văn.

Đồng chí Nguyễn Đăng Hai thay mặt Ban Thư ký đọc Nghị quyết Đại hội

Phát biểu bế mạc, Đồng chí Trần Văn Thịnh – Bí thư Chi bộ Ngữ văn chân thành cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo từ Đảng ủy Khoa và sự đóng góp tích cực của toàn thể đảng viên. Đại hội đã mở ra một nhiệm kỳ mới đầy hứa hẹn, tập thể Chi bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu thực hiện các phương hướng và nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong nhiệm kỳ mới 2025-2027.

Ảnh: Đoàn khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn

Bài: Đan Thanh

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 10/12/2024, Bộ môn Ngữ văn, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức thành công Buổi Báo cáo Luận văn Tốt nghiệp lần 1 cho sinh viên ngành Văn học khóa 47. Buổi báo cáo diễn ra tại các phòng 201/XH, 301/XH và 302/XH, với 42 đề tài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như văn học, ngôn ngữ, văn hóa và báo chí.

Đây là dịp để các bạn sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu sau thời gian dài học tập, đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn về học thuật và kĩ năng. Nhiều đề tài được hội đồng đánh giá cao nhờ tính mới và giá trị thực tiễn, khẳng định sự nỗ lực, tâm huyết của các bạn.

Buổi báo cáo khép lại với những kết quả đầy ý nghĩa, không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình học tập của sinh viên mà còn thể hiện sự đồng hành tận tâm của đội ngũ giảng viên. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để các bạn tiếp tục chinh phục những mục tiêu học thuật cao hơn trong tương lai.

 Một số hình ảnh của buổi báo cáo:

Tin, ảnh: Bộ môn Ngữ văn

 

 

HỘI THẢO “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY VĂN HỌC BẬC ĐẠI HỌC VÀ SAU ĐẠI HỌC” - NHÌN LẠI VÀ BƯỚC TIẾP

          Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đang có những bước đi thiết thực nhất để đổi mới hoạt động của nhiều lĩnh vực. Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng điểm. Nhận thức được cần phải đổi mới hoạt động giảng dạy Văn học để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn - Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học”. Sáng ngày 01 tháng 12 năm 2024, tại Hội trường ATL (Khu II, Trường Đại học Cần Thơ), buổi Hội thảo đã diễn ra thành công, quy tụ nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên đến từ các cơ sở giáo dục trong và ngoài khu vực. Về cơ bản, Hội thảo đã hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

          Nhìn lại và bước tiếp

          Văn học là một trong bảy môn nghệ thuật cơ bản, chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Từ lâu, Văn học đã trở thành một chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục Đại học. Tại Trường Đại học Cần Thơ, bên cạnh ngành Sư phạm Ngữ văn (thuộc Trường Sư phạm) thì ngành Văn học bậc Đại học và Văn học Việt Nam bậc cao học (thuộc Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn) tập trung giảng dạy các kiến thức về lý luận văn học, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, ngôn ngữ học, các hướng phê bình văn học ... nhằm trang bị cho sinh viên hành trang tốt nhất để sinh viên vững vàng, giỏi về chuyên môn lẫn kỹ năng cần thiết sau khi ra trường, phục vụ cộng đồng và kiến tạo những giá trị bền vững.

 

PGS. TS Nguyễn Kim Châu và TS. Trần Thị Nâu - Chủ toạ Hội thảo

          Nhiều năm qua, việc giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học của Trường Đại học Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu. Nhiều sinh viên, học viên sau khi ra trường tìm được việc làm đúng ngành nghề, đúng nguyện vọng bản thân. Môi trường làm việc tạo điều kiện để sinh viên, học viên phát huy tốt năng lực, sử dụng tốt các kiến thức được học trong trường Đại học. Sinh viên, học viên ngành Văn học bậc Đại học và Văn học Việt Nam bậc cao học sau khi ra trường đã trở thành giảng viên, giáo viên, phóng viên, biên tập viên ... góp phần xây dựng xã hội thịnh vượng. Từ kết quả đó, phải khẳng định rằng, hoạt động giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học nhiều năm qua đạt chất lượng cao.

          Thế nhưng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật cùng với nhu cầu của người học cũng có sự thay đổi theo thời đại, việc giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học đã và đang gặp nhiều thách thức. Điều này là do lượng kiến thức thay đổi hằng ngày, giữa lý luận và thực tiễn cũng có sự chênh lệch, nhu cầu cạnh tranh thông tin trong thời đại công nghệ số... Việc đổi mới phương pháp giảng dạy Văn học sao cho phù hợp với bối cảnh giáo dục mới đang là vấn đề nan giải. Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” vì thế càng có ý nghĩa hơn. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và vẽ ra con đường mới để bước tiếp trong thời gian tới.

          Những tham luận giá trị

          Từ khi thông báo Hội thảo được công bố đến nay, Ban tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” nhận được nhiều tham luận từ các tác giả đến từ nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài khu vực. 15 tham luận được in trong Kỷ yếu là sự chọn lựa công phu của Ban tổ chức, trong đó có những tham luận của các tác giả hiện đang là nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên, học viên ở các cơ sở giáo dục như: Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế (Thành phố Huế), Trường Đại học Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn Hiến (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (An Giang), Trường THPT Thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Thành phố Cần Thơ)...

Những người tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm ngoài Hội trường   

          Chỉ trong một buổi sáng làm việc, người tham dự Hội thảo đã được nghe năm tham luận của các tác giả: TS. Hà Thanh Vân, TS. Nguyễn Đăng Hai, TS. Huỳnh Vũ Lam, ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương, TS. Bùi Thị Thuý Minh. Tham luận “Trường phái Ngữ Văn Đức và việc vận dụng trong giảng dạy lý luận văn học và lịch sử văn học” của TS. Hà Thanh Vân (Trường Đại học Hùng Vương) trình bày những vấn đề xoay quanh tiền đề phát triển của trường phái Ngữ Văn Đức, mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời giữa trường phái Ngữ Văn Đức với lịch sử của nó, giữa sáng tạo với lịch sử văn học, giữa tác giả văn học và phong cách văn học. Từ đó, đi đến khẳng định: “Trường phái Ngữ Văn Đức cho chúng ta một cái nhìn đa dạng hơn về lịch sử văn học và tác giả, tác phẩm văn học. Việc vận dụng những lý thuyết của trường phái Ngữ Văn Đức vào công việc giảng dạy Ngữ Văn ở bậc đại học, qua những thao tác cụ thể, sẽ làm cho việc giảng dạy văn học được sâu sắc và toàn diện hơn”.

TS. Hà Thanh Vân báo cáo tham luận

          Tham luận “Giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên ngành Văn tại các Trường Đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay” của TS. Nguyễn Đăng Hai (Trường Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh vai trò của giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên. Từ đó, tác giả đã đưa ra những đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo sinh viên ở các Trường Đại học Việt Nam hiện nay. 5 giải pháp mà TS. Nguyễn Đăng Hai đưa ra lần lượt là: (1) các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu, xây dựng một hệ giá trị thẩm mỹ để làm cơ sở, định hướng cho hoạt động giáo dục; (2) các học phần về mỹ học và nghệ thuật nên được tổ chức theo hướng đa dạng và linh hoạt; (3) việc giáo dục thẩm mỹ cũng cần có sự phối hợp với các phương tiện truyền thông như điện ảnh, báo chí; (4) các cơ sở giáo dục cần cân nhắc định kỳ tổ chức các tuần lễ về nghệ thuật phương Đông và phương Tây theo từng loại hình, chủ đề phù hợp; (5) cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để thiết kế một chương trình giáo dục thẩm mỹ riêng, phù hợp với môi trường giáo dục nước nhà.

TS. Nguyễn Đăng Hai báo cáo tham luận

          Tham luận “Hướng tiếp cận thực tiễn - Một bổ sung quan trọng cho dạy Văn học Dân gian ở bậc Đại học theo định hướng phát triển năng lực” của TS. Huỳnh Vũ Lam (Trường THPT Thành phố Sóc Trăng) bàn về vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học dân gian trong cho sinh viên. Theo TS. Huỳnh Vũ Lam, để các học phần Văn học Dân gian được sinh động, giảng viên cần đổi mới cách soạn giáo trình, từ giảng dạy, phân tích, cảm thụ văn bản chữ viết đến diễn xướng, sân khấu hoá tác phẩm... Đó là cách để tác phẩm văn học dân gian đến gần với sinh viên hơn. TS. Huỳnh Vũ Lam viết: “Giảng dạy Văn học Dân gian trong bối cảnh giáo dục Đại học hiện đại không chỉ đơn thuần là việc truyền tải kiến thức về các tác phẩm dân gian mà còn là quá trình xây dựng và phát triển cá nhân người học. Những năng lực này bao gồm khả năng tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng vận dụng kiến thức liên ngành”.

TS. Huỳnh Vũ Lam báo cáo tham luận

          Nhóm tác giả: ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương và sinh viên Trương Hoàng Hân (Trường Đại học An Giang) gây ấn tượng với tham luận “Giải pháp nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên Văn học Trường Đại học An Giang” - một báo cáo có giá trị về phương pháp giảng dạy sao cho hấp dẫn, phù hợp với bối cảnh giáo dục mới. Nhóm tác giả cho rằng, việc nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với các cơ sở giáo dục Đại học. Lấy Trường Đại học An Giang - nơi mà nhóm tác giả công tác và học tập làm minh chứng, ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương cụ thể hoá việc đổi mới phương pháp giảng dạy Văn học bằng cách thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đa dạng hoá các hình thức kiểm tra đánh giá, tổ chức toạ đàm văn học, phát huy hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ Văn học,...

ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương báo cáo tham luận

           Bùi Thị Thuý Minh và ThS. Đỗ Thị Xuân Quyên (Trường Đại học Cần Thơ) cũng đóng góp tham luận về lĩnh vực lý luận phê bình Trung Quốc: “Ý nghĩa của từ Văn Tâm trong lý luận phê bình văn học Trung Quốc cổ điển”. Nhóm tác giả lý giải dựa trên quan điểm của Lưu Hiệp, Kim Thánh Thán... Họ đều là những học giả rất xuất sắc của Trung Quốc. Lý luận phê bình Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến lý luận phê bình Việt Nam, bởi lẽ đó, việc tìm hiểu ý nghĩa của hai từ “Văn Tâm” là vô cùng cần thiết. Thông qua các phương pháp nghiên cứu như thống kê, phân tích, so sánh,... tham luận của TS. Bùi Thị Thuý Minh và ThS. Đỗ Thị Xuân Quyên đã làm rõ quan niệm về văn tâm qua tác phẩm lý luận cụ thể của Lưu Hiệp và việc vận dụng trong bình điểm của Kim Thánh Thán, tìm hiểu sự phong phú trong nội hàm khái niệm và xác định ý nghĩa thường dùng của thuật ngữ văn tâm trong ngữ cảnh văn bản cụ thể. Tham luận đã được TS. Bùi Thị Thuý Minh trình bày thuyết phục tại Hội thảo.

TS. Bùi Thị Thuý Minh báo cáo tham luận

          Ngoài những tham luận được lựa chọn báo cáo tại Hội thảo, tham luận của các tác giả khác cũng đầy tính học thuật, khoa học. Các tác giả đã ứng dụng các lý thuyết phê bình văn học phương Tây để lý giải, phân tích, giải mã, khám phá, thâm nhập vào từng tác phẩm văn học, khuynh hướng văn học, mảng sáng tác hoặc các tác giả cụ thể. Không thể không để đến tham luận “Hành trình nữ quyền trong văn học Việt Nam” của TS. Hồ Tiểu Ngọc (Trường Đại học Sài Gòn) - người nghiên cứu rất sâu về lý thuyết giới và mối quan hệ của nó với văn chương, tham luận “Chấn thương di căn trong tiểu thuyết về chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary” của ThS. Phạm Khánh Duy (Trường Đại học Cần Thơ) - ứng dụng lý thuyết phê bình chấn thương để lý giải trường hợp tiểu thuyết chống chế độ diệt chủng của các nhà văn Việt Nam sau 1975 hay “Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thơ trước và sau chiến tranh nhìn từ lý thuyết diễn ngôn” của ThS. NCS Võ Minh Nghĩa (Trường Đại học Văn Hiến) đã ứng dụng lý thuyết diễn ngôn để phân tích các tác phẩm thơ tiêu biểu viết về người phụ nữ trong văn học hiện đại. Ngoài ra, các tham luận: “Tiểu thuyết ‘Đức Phật, nữ chúa và điệp viên’ của Hồ Anh Thái từ góc nhìn xã hội học văn học” của Thích Nữ Nhuận Ân Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), “Vấn đề xác định miền nguồn và miền đích trong ẩn dụ ý niệm: Nghiên cứu trường hợp ẩn dụ ý niệm trong bài thơ ‘Đám ma bác Giun’ của Trần Đăng Khoa” của TS. Đào Duy Tùng (Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự... cũng có giá trị khoa học rất lớn.

          Từ những tham luận được báo cáo và các ý kiến thảo luận, Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” góp phần phác thảo những định hướng giảng dạy Văn học trong thời gian tới. “Nhìn lại và bước tiếp” - chữ dùng của PGS. TS. Nguyễn Kim Châu (Chủ tọa Hội thảo) tuy đơn giản nhưng sâu sắc và đầy ý nghĩa. Để chuẩn bị tốt hành trang và bước đi trên hành trình mới, “nhìn lại” là điều vô cùng cần thiết. Có thể khẳng định rằng, Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” sẽ là tiền đề vững chắc để người dạy Văn định hướng phương pháp giáo dục mới hiệu quả hơn./.

Bài: ThS. Phạm Khánh Duy

Ảnh: Đoàn Khoa KHXH&NV

 

 

         

         

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong bối cảnh giáo dục hiện đại, vào ngày 01/12/2024, tại Hội trường ATL, Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng giảng dạy văn học bậc đại học và sau đại học”. Sự kiện thu hút đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, trở thành một diễn đàn học thuật quan trọng để thảo luận và chia sẻ những vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu, giảng dạy văn học. Hội thảo là bước tiến góp phần thúc đẩy đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn học.

Đại biểu tham dự Hội thảo 

TS. Bùi Thanh Thảo phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo

Văn học từ lâu đã là lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội, không chỉ giúp nuôi dưỡng tâm hồn mà còn mở ra những khả năng tư duy sáng tạo phong phú cho người học. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ số phát triển và những yêu cầu mới của giáo dục toàn cầu, giảng dạy văn học đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp. Hội thảo lần này tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy văn học, từ đó giúp người học không chỉ nắm vững tri thức mà còn ứng dụng được vào thực tiễn đời sống.

Đến dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Tăng Tấn Lộc - Khoa Xã hội Nhân văn và Truyền thông, Trường Đại học Tây Đô; bà Nguyễn Kim Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Cần Thơ; bà Trần Như Ý - Thư ký Tòa soạn Văn nghệ Cần Thơ; cùng sự hiện diện của nhiều nhà khoa học, giảng viên từ các đơn vị khác. Về phía Trường Đại học Cần Thơ, hội thảo vinh dự có sự tham gia của TS. Bùi Thanh Thảo - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS. Tạ Đức Tú - Phó Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TS Nguyễn Kim Châu - Nguyên Phó Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, cùng đông đảo giảng viên, học viên cao học và sinh viên của Khoa.

PGS.TS Nguyễn Kim Châu và TS. Trần Thị Nâu đồng chủ trì Hội thảo

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu, với sự tham gia của các báo cáo viên từ các đơn vị giáo dục đào tạo trên cả nước như Trường Đại học Hùng Vương, Đại học An Giang, Đại học Văn Hiến và Trường THPT Thành phố Sóc Trăng. Các tham luận trình bày tại hội thảo không chỉ mang tính học thuật cao mà còn tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn trong giảng dạy văn học. Trong số đó có 05 báo cáo đã được trình bày tại Hội thảo:

  1. “Trường phái ngữ văn Đức và việc vận dụng trong giảng dạy lý luận văn học và lịch sử văn học” – TS. Hà Thanh Vân, Trường Đại học Hùng Vương.
  2. “Giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên ngành Văn tại các trường đại học Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay” – TS. Nguyễn Đăng Hai, Trường Đại học Cần Thơ.
  3. “Hướng tiếp cận thực tiễn – Một bổ sung quan trọng cho dạy Văn học dân gian bậc đại học” – TS. Huỳnh Vũ Lam, Trường THPT Sóc Trăng.
  4. “Giải pháp nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên Văn học” – ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương, Trường Đại học An Giang.
  5. “Ý nghĩa của từ “Văn tâm” trong lý luận phê bình văn học Trung Quốc cổ điển” – TS. Bùi Thị Thúy Minh, Trường Đại học Cần Thơ.

Các tham luận không chỉ giới thiệu những lí thuyết hiện đại như phân tâm học, ẩn dụ ý niệm, phê bình nữ quyền… mà còn đề xuất các giải pháp cải tiến phương pháp giảng dạy văn học, gắn kết lí thuyết với thực tiễn. Đặc biệt, các báo cáo nhấn mạnh vai trò của giáo dục thẩm mĩ trong việc giảng dạy, giúp sinh viên không chỉ nắm vững tri thức mà còn phát triển tư duy sáng tạo, năng lực cảm thụ sâu sắc và kĩ năng ứng dụng vào đời sống.

Phần thảo luận tại hội thảo diễn ra trong không khí học thuật sôi nổi. Các đại biểu và báo cáo viên đã thẳng thắn trao đổi, phản biện, chia sẻ những góc nhìn mới, tạo nên một diễn đàn đầy cảm hứng. Sự tham gia nhiệt tình của các học viên cao học và sinh viên không chỉ làm phong phú thêm nội dung hội thảo mà còn khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong việc đổi mới và phát triển lĩnh vực văn học.

Phần thảo luận tại Hội thảo

Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy Văn học bậc Đại học và Sau Đại học” không chỉ là dịp để trình bày các nghiên cứu mới mà còn là cầu nối giữa các nhà khoa học, giảng viên và người học. Sự kiện đã khẳng định vai trò của Trường Đại học Cần Thơ trong việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Từ trái sang: TS. Trần Văn Thịnh; TS. Trần Thị Nâu; PGS. TS Nguyễn Kim Châu; TS. Tạ Đức Tú

Từ trái sang: TS. Trần Văn Thịnh; TS. TS. Huỳnh Vũ Lam; TS. Hà Thanh Vân; 

ThS. Lâm Trần Sơn Ngọc Thiên Chương; TS. Bùi Thị Thúy Minh; TS. Nguyễn Đăng Hai; TS. Tạ Đức Tú

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Ảnh: Đoàn khoa Khoa học xã Hội và Nhân văn

Hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sinh viên ngành Văn học và Báo chí đã dành tặng thầy cô những món quà tinh thần đầy ý nghĩa thông qua cuộc thi “Thông điệp Tri ân” do Đoàn khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức. Cuộc thi là dịp để sinh viên bày tỏ lòng tri ân với các hình thức đa dạng, từ thơ văn, tranh vẽ đến thiết kế ấn phẩm và báo tường. Mỗi tác phẩm như một lời nhắn gửi chân thành, tôn vinh sự tận tụy, nhiệt huyết của thầy cô – những người đã miệt mài gieo mầm tri thức, dẫn dắt các thế hệ học trò vững bước trên hành trình trưởng thành.

Các tác phẩm được chia thành nhiều nhóm với những nét đặc sắc riêng:

Báo tường: sự gắn kết của tập thể

Các tác phẩm báo tường của các chi đoàn mang lại ấn tượng về tinh thần đoàn kết trong từng tập thể. Với bố cục sáng tạo, những nét vẽ tỉ mỉ, kết hợp cùng nội dung súc tích, báo tường tái hiện hình ảnh thầy cô một cách sinh động và gần gũi. Những câu chuyện, lời thơ, bài viết trên từng trang giấy đều thể hiện lòng biết ơn chân thành, gợi nhắc hành trình trưởng thành của người học. Sự đầu tư cả về ý tưởng và hình thức làm cho báo tường trở thành một trong những sản phẩm đầy cảm xúc và mang dấu ấn tập thể mạnh mẽ.

Thơ: vần điệu tri ân sâu lắng

Thơ luôn là phương tiện tuyệt vời để sinh viên thể hiện cảm xúc và sự biết ơn một cách chân thành. Những hình ảnh giản dị về thầy cô, bục giảng, bảng đen hay những giờ học được thể hiện qua ngôn ngữ giàu cảm xúc, chạm đến trái tim người đọc. Đây không chỉ là lời cảm ơn dành cho thầy cô mà còn là những kỉ niệm gắn liền với thời gian, với hành trình học tập của các bạn sinh viên. Các bài thơ cho thấy sự phong phú trong cách biểu đạt và khả năng sáng tạo của sinh viên ngành Văn học và Báo chí.

Văn xuôi: những dòng tâm sự từ trái tim

Văn xuôi trong cuộc thi là nơi sinh viên bộc bạch những dòng tâm sự chân thành. Qua những câu chuyện gần gũi về thầy, cô, các bài viết tái hiện lại hành trình tri thức và những bài học quý giá không chỉ về kiến thức mà còn về cuộc sống. Văn phong mộc mạc, tự nhiên nhưng chất chứa đầy cảm xúc là điểm chung nổi bật của các tác phẩm văn xuôi. Đây là lời cảm ơn sâu sắc và cũng là những kí ức đẹp mà các bạn luôn muốn lưu giữ.

 Tranh vẽ: nét cọ thay lời tri ân

Những tác phẩm tranh vẽ là minh chứng rõ nét cho tài năng nghệ thuật và sự sáng tạo của sinh viên. Từng nét cọ, từng mảng màu được phối hợp tinh tế để tái hiện hình ảnh thầy cô trong những khoảnh khắc giản dị mà ý nghĩa. Các bức tranh không chỉ thu hút bởi sự khéo léo trong hình thức mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc.

 

Poster và Infographic: sáng tạo hiện đại

Những sản phẩm poster và infographic mang phong cách trẻ trung, hiện đại với sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh, màu sắc và bố cục. Các tác phẩm này không chỉ thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ mà còn mang lại ấn tượng về sự tươi mới, sáng tạo. Nội dung rõ ràng, thông điệp ý nghĩa, dễ dàng tiếp cận đã khiến poster và infographic trở thành một phần nổi bật trong cuộc thi.

 

Hiện các tác phẩm báo tường đang được trưng bày tại sảnh Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn. Kính mời quý thầy cô và các bạn sinh viên ghé thăm để chiêm ngưỡng những tác phẩm tri ân sáng tạo và đầy cảm xúc.

Về cuộc thi “Thông điệp Tri ân”

Chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đoàn khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức cuộc thi “Thông điệp Tri ân” dành cho Đoàn viên, Thanh niên trong khoa. Cuộc thi “Thông điệp Tri ân” không chỉ tạo ra một sân chơi sáng tạo mà còn là cơ hội để sinh viên rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ và phát huy tinh thần đoàn kết. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một góc nhìn độc đáo về thầy cô – những người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng sống cho các thế hệ sinh viên. Tác phẩm dự thi được nhận từ ngày 04/11 đến hết ngày 11/11/2024, và thời gian bình chọn diễn ra từ ngày 12/11 đến 16/11/2024.

Chi tiết các tác phẩm tại: Đoàn khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Cần Thơ

Ảnh: Đoàn Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Cần Thơ

 

 

CHI BỘ NGỮ VĂN TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN CHO 8 SINH VIÊN XUẤT SẮC

Chiều ngày 12/11/2024, tại Hội trường Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, được sự thống nhất của Đảng ủy Trường Đại học Cần Thơ và căn cứ vào các quyết định, Chi bộ Ngữ văn đã trang trọng tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên mới cho 8 sinh viên xuất sắc thuộc các khóa 47, 48 ngành Văn học.

Lễ kết nạp Đảng viên chính là sự ghi nhận quá trình nỗ lực học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống, đánh dấu sự trưởng thành về mặt nhận thức chính trị, trách nhiệm của cá nhân đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chính là ước mơ, là niềm vinh dự và tự hào đối với tất cả quần chúng được kết nạp.

 

Các sinh viên được kết nạp Đảng

Tham dự buổi Lễ kết nạp Đảng viên có sự hiện diện của lãnh đạo Khoa, các đồng chí trong Ban Chấp hành Chi bộ Ngữ văn:

  • TS. Bùi Thanh Thảo, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa KHXH&NV.
  • TS. Tạ Đức Tú, Phó Trưởng Khoa KHXH&NV.
  • TS. Trần Văn Thịnh, Bí thư Chi bộ Ngữ văn, Phó Trưởng Bộ môn phụ trách.
  • TS. Đào Duy Tùng, Chi ủy viên Chi bộ Ngữ văn.
  • TS. Bùi Thị Thúy Minh, Phó Bí thư Chi bộ Ngữ văn.

Cùng với sự tham dự của các Thầy Cô  đang là Đảng viên trong Chi bộ và 8 sinh viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc trở thành Đảng viên là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ. Các bạn sinh viên được kết nạp lần này đều là những tấm gương sáng, không chỉ nổi bật trong học tập mà còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, góp phần xây dựng và lan tỏa tinh thần đoàn kết trong khoa. Những nỗ lực đó đã giúp các bạn xứng trở thành những người tiên phong trong việc tiếp nối và phát huy các giá trị cao quý của Đảng Cộng sản Việt Nam. Danh sách này gồm có 8 sinh viên:

  • Sinh viên Huỳnh Minh Châu (Chi đoàn VH1-K48)
  • Sinh viên Lưu Thảo Nhi (Chi đoàn VH2-K47)
  • Sinh viên Ngô Thanh Ngân (Chi đoàn VH1-K47)
  • Sinh viên Nguyễn Gia Bình (Chi đoàn VH2-K47)
  • Sinh viên Nguyễn Thị Phương Giang (Chi đoàn VH2-K47)
  • Sinh viên Huỳnh Thị Ngọt (Chi đoàn VH2-K47)
  • Sinh viên Nguyễn Huỳnh Hiếu (Chi đoàn VH1-K47)
  • Sinh viên Nguyễn Trường Duy (Chi đoàn VH1-K48)

Lễ kết nạp Đảng viên được diễn ra trong không khí trang nghiêm theo trình tự, thủ tục Điều lệ Đảng. Buổi lễ bắt đầu với nghi thức chào cờ và hát Quốc ca. TS. Đào Duy Tùng dẫn chương trình, giới thiệu thành phần tham dự, khai mạc buổi lễ kết nạp bằng lời giới thiệu nhấn mạnh ý nghĩa về tầm quan trọng của việc kết nạp Đảng viên mới, khẳng định rằng đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời các sinh viên.

Đồng chí Đào Duy Tùng – Chi ủy viên Chi bộ Ngữ văn dẫn chương trình tại buổi Lễ

Tiếp theo, TS. Trần Văn Thịnh, Bí thư Chi bộ Ngữ văn, đã lên trao Quyết định kết nạp Đảng viên mới cho từng quần chúng. Dưới cờ Tổ quốc, Cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự chứng kiến của các Đảng viên trong Chi bộ. Mỗi  sinh viên lên nhận quyết định và thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Đảng kỳ và toàn thể đại biểu tham dự. Lần lượt các quần chúng được kết nạp tuyên thệ và hứa hẹn sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy năng lực trong công tác chuyên môn và công tác Đảng.

 

Một số hình ảnh sinh viên lên nhận Quyết định Kết nạp từ TS. Trần Văn Thịnh, Tuyên thệ trước Đảng kỳ và toàn thể đại biểu tham dự

 

Sau cùng, TS. Trần Văn Thịnh, với vai trò Bí thư Chi bộ có lời phát biểu sâu sắc, nhấn mạnh vai trò, phổ biến nhiệm vụ cho các Đảng viên dự bị. Thầy nhấn mạnh rằng việc đứng vào hàng ngũ của Đảng là bước đầu của hành trình mới, đòi hỏi các Đảng viên dự bị phải không ngừng rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức và phấn đấu để trở thành Đảng viên chính thức sau thời gian một năm dự bị tại Chi bộ Sinh viên. Đồng thời, dặn dò các đồng chí mới phải gương mẫu, đoàn kết trong tập thể Chi đoàn, đóng góp xây dựng Chi bộ và Khoa ngày càng vững mạnh.

Đồng chí – TS. Trần Văn Thịnh phổ biến nhiệm vụ sắp tới cho các Đảng viên dự bị

Các đồng chí được kết nạp Đảng chụp ảnh lưu niệm cùng Quý Thầy Cô

Buổi lễ kết thúc trong không khí ấm áp và trang nghiêm, TS. Đào Duy Tùng tuyên bố bế mạc buổi lễ, để lại niềm cảm xúc tự hào và phấn khởi cho các bạn Đảng viên mới và toàn thể đại biểu tham dự. Đây sẽ là cột mốc quan trọng, khởi đầu mới cho các Đảng viên trẻ tiếp tục phấn đấu và hoàn thiện bản thân, đóng góp sức mình vào sự phát triển của Chi Bộ Ngữ văn nói riêng và Đảng ủy Trường Đại học Cần Thơ nói chung.

Bài và ảnh: Đan Thanh

 

 

 

 

 

 

 

LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG NGND. GS. LÊ ĐÌNH KỴ - KHÍCH LỆ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ TRI THỨC

Vào ngày 07/11/2024, trong không gian ấm cúng tại Văn phòng Khoa Sư phạm (Trường Đại học Cần Thơ) đã diễn ra buổi lễ trao giải thưởng NGND. GS. Lê Đình Kỵ. Buổi lễ nhằm khen thưởng, khích lệ những nỗ lực và thành tích xuất sắc của học viên, sinh viên trong lĩnh vực nghiên cứu và học tập Ngữ văn thuộc hai khoa: Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa Sư phạm – Trường Đại học Cần Thơ.

Toàn cảnh buổi trao giải thưởng NGND.GD. Lê Đình Kỵ

Về phía đại diện gia đình NGND. GS. Lê Đình Kỵ có sự tham dự của Cô Ngô Kim Long – người học trò xuất sắc, là đồng nghiệp và cũng là người bạn đời yêu quý của Thầy Lê Đình Kỵ, đã gắn bó cùng Thầy trong suốt một hành trình giảng dạy và sáng tác văn chương. Đồng thời, Cô Ngô Kim Long cũng đã có những năm tháng công tác tại Trường Đại học Cần Thơ.

TS. Nguyễn Lâm Điền (Đại diện Ban tổ chức) kính tặng bó hoa thay lời tri ân gửi đến cô Ngô Kim Long

TS. Trần Văn Thịnh nhận quyển sách "Trăm năm một thuở - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà lý luận, phê bình văn học Lê Đình Kỵ" do Trần Đình Việt tuyển chọn và giới thiệu từ tay cô Ngô Kim Long

Về phía Trường Đại học Cần Thơ, có sự tham dự của các quý Thầy, Cô: TS. Nguyễn Lâm Điền (Đại diện Ban Tổ chức), TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Khoa Sư phạm), TS. Trần Thị Nâu (Khoa Sư phạm), ThS. Nguyễn Thuỵ Thuỳ Dương (Khoa Sư phạm), TS. Trần Văn Thịnh (Khoa KHXH&NV), ThS. Phạm Khánh Duy (Khoa KHXH&NV) cùng với các học viên, sinh viên thuộc Khoa Sư Phạm và Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Thầy, Cô Khoa Sư Phạm và Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn chụp ảnh lưu niệm cùng Cô Ngô Kim Long

Người thầy đáng kính – Nhà giáo Nhân dân – Giáo sư – Nhà lý luận phê bình văn học Lê Đình Kỵ (sinh ngày 04/04/1923 - mất ngày 24/10/2009) quê tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thầy là một Nhà giáo có nhiều đóng góp to lớn cho nền Văn học nước nhà nửa sau thế kỷ XX, như: hàng trăm bài báo khoa học, hàng chục chuyên luận khoa học được công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy Văn học hơn 40 năm ở lĩnh vực Lý luận, phê bình văn học, biên soạn nhiều bộ giáo trình giá trị, có tính chất đặt nền tảng, khơi nguồn cho phân môn lý luận văn học, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Bên cạnh đó, Giáo sư còn là người hướng dẫn hàng trăm luận văn, luận án tiến sĩ và là tấm gương truyền cảm hứng, gợi mở cho đội ngũ giảng viên, sinh viên Ngữ văn tiếp nối con đường học thuật của Thầy trên nền tảng và những thành tựu mà Thầy đã tâm huyết xây dựng. Thầy Lê Đình Kỵ được tặng Huân chương Lao động hạng nhất năm 1995, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.​

Học viên, sinh viên thuộc Khoa Sư phạm và Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn vinh dự nhận giải thưởng

Xúc động tại buổi Lễ trao thưởng, Cô Kim Long đã nhắc nhớ những kỷ niệm về Thầy Lê Đình Kỵ và có những chia sẻ, giao lưu với thầy cô, học viên, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Giải thưởng này chính là tình yêu và tâm huyết của gia đình NGND.GS. Lê Đình Kỵ, mong muốn gửi gắm những ước mơ, khát vọng của Thầy đến nhiều thế hệ học viên, sinh viên lĩnh vực Văn học.

Cô Ngô Kim Long - TS. Trần Văn Thịnh (Phó Trưởng bộ môn phụ trách - Bộ môn Ngữ văn, Khoa KHXH&NV) và học viên cao học ngành Văn học Việt Nam

Vinh dự nhận Giải thưởng lần này, gồm có: 8 nhóm sinh viên và 1 học viên cao học thuộc Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn; cùng với các sinh viên, học viên thuộc Khoa Sư phạm. Tất cả các bạn nhận giải thưởng cao quý trên đều là những nhóm, cá nhân có thành tích học tập xuất sắc và có nhiều đóng góp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Ngữ văn ở cả hai khoa đã được ghi nhận, xét duyệt và vinh dự nhận Giải thưởng.

Quy chế Giải thưởng: Xem chi tiết

Kết quả xét thưởng: Xem chi tiết

Danh sách chứng nhận: Xem chi tiết

Sinh viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu được Cô Ngô Kim Long tận tay ký chứng nhận giải thưởng NGND. GS. Lê Đình Kỵ.

Bộ môn Ngữ văn – Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa Sư phạm (Trường Đại học Cần Thơ) xin kính gửi lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất đến gia đình NGND. GS. Lê Đình Kỵ về những đóng góp, nghiên cứu học thuật của Thầy đã giúp nền Văn học nước nhà được gợi mở, khai phóng cũng như tình cảm quý báu của Gia đình Thầy đã hỗ trợ, nâng bước các bạn học viên, sinh viên trên chặng đường khám phá tri thức. Giải thưởng này chính là nguồn động lực to lớn để các bạn sinh viên, học viên tiếp tục phấn đấu, nỗ lực sáng tạo học tập, nghiên cứu khoa học và nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc kế thừa và phát triển nền Văn học nước nhà.

 Bài: Đan Thanh

Ảnh: TS. Trần Văn Thịnh, ThS. Phạm Khánh Duy và Sinh viên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Toạ Đàm Thơ 1,2,3 Trong Không Gian Văn Học Đương Đại đã diễn ra thành công vào sáng ngày 06/11/2024 tại Hội trường ATL (Khu II - Trường Đại học Cần Thơ). Đây là buổi tọa đàm dành riêng để bàn luận về thể thơ 1,2,3, với sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo và các nhà lý luận phê bình đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Tham dự sự kiện có gần 100 sinh viên từ các khóa ngành Văn học và ngành Báo chí thuộc Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Cần Thơ.

 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm 

Nhà thơ, NTK Huệ Thi dẫn chương trình buổi Tọa đàm 

TS. Tạ Đức Tú - Phó Trưởng khoa Khoa KHXH&NV Trường Đại học Cần Thơ,  Uỷ viên CLB Văn học TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc (Ảnh: Khoa KHXH&NV)

Thơ 1,2,3 Là thể thơ mang tinh thần tự do nhưng vẫn có các yêu cầu cụ thể về niêm luật, giới hạn chữ. Bên cạnh đó, thể thơ này lại không khắt khe về thanh âm vần điệu nên tạo cho người sáng tác cảm hứng tự do, phóng khoáng để viết nên những ý thơ đẹp.

Buổi tọa đàm được mở đầu với phần chia sẻ của nhà thơ Phan Hoàng – người khai sinh thể thơ 1,2,3. Nhà thơ Phan Hoàng đồng thời là Nhà báo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, và Chủ biên Trang vanvn.vn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm “Chất vấn thói quen” của ông đã nhận giải thưởng Nghệ thuật Danube từ Hungary năm 2023, góp phần khẳng định tên tuổi của ông trên văn đàn quốc tế. Ông kể lại hành trình từ khi thể thơ còn trong quá trình ấp ủ ý tưởng đến lúc hình thành và dần đi vào đời sống với lối diễn đạt thu hút.

Nhà thơ Phan Hoàng - Người khởi xướng Thể thơ 1,2,3 phát biểu, chia sẻ 

Trong buổi tọa đàm còn quy tụ các diễn giả, khách mời uy tín như:

- Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ)

- Nhà thơ Phan Hoàng (Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

- Nhà thơ Trần Thanh Dũng (Hội viên Hội VHNT Sóc Trăng)

- Nhà văn Đoàn Hữu Nam (Hội viên Hội VHNT Lào Cai, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

- TS. Nguyễn Minh Ca (Giảng viên Trường Đại học Tây Đô, Cần Thơ)

- Nhà thơ Trần Đức Tín – bút danh Khét (Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam)

Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên - Chủ tịch Hội nhà văn TP. Cần Thơ 

Nhà thơ Trần Thanh Dũng - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Sóc Trăng 

Nhà văn Đoàn Hữu Nam - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 

Bài tham luận được thể hiện qua giọng đọc của Nhà văn Thúy Dung - Phó Chủ nhiệm CLB Văn học TP. Cần Thơ 

ThS. Phạm Khánh Duy - Phó chủ nhiệm CLB Văn học TP. Cần Thơ, Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ 

Cùng với các Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo, Khách mời đến từ Phú Thọ, Sóc Trăng, Trà Vinh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ,… đã hội ngộ trong buổi toạ đàm để chia sẻ, bàn luận xoay quanh các vấn đề: sáng tác, lý luận và phê bình văn học.

TS. Nguyễn Minh Ca - Uỷ viên CLB Văn học TP. Cần Thơ, Giảng viên Trường Đại học Tây Đô Cần Thơ 

Nhà thơ Trần Đức Tín, Bút danh Khét - Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Các tiết mục văn nghệ như ngâm thơ, kịch thơ và hát tân cổ phổ từ lời thơ, được trình diễn bởi các nghệ sĩ khách mời và sinh viên ngành Văn học và ngành Báo chí, đã góp phần cho buổi tọa đàm thêm phần hấp dẫn.

Nghệ sĩ ngâm thơ Duy Chuông góp một tiết mục văn nghệ đặc sắc 

Nhà thơ Thanh Trần với tiếng sáo trúc êm dịu, du dương

 Tiết mục ngâm thơ biểu diễn bởi Nghệ sĩ ngâm thơ Minh Trang 

Kịch thơ do sinh viên Ngành Văn học và Ngành Báo chí Khoa KHXH&NV - Trường Đại học Cần Thơ biểu diễn 

Tiết mục vọng cổ ngọt ngào đậm chất miền quê đồng bằng sông Cửu Long cũng là món quà sinh viên chuẩn bị dành tặng quý khách mời phương xa.

Vọng cổ "Nước chảy tình quê" do sinh viên Minh Anh  Khoa KHXH&NV sáng tác và biểu diễn 

Nhiều sinh viên đã mạnh dạn đặt câu hỏi, chia sẻ cảm nhận và cùng thảo luận về các vấn đề sáng tác, lý luận và phê bình văn học. Đây là cơ hội quý báu để sinh viên được giao lưu trực tiếp với những tác giả mà họ đang nghiên cứu, học tập. Qua đó, các bạn sẽ có thêm động lực sáng tác văn chương, nhận được nhiều bài học kinh nghiệm thực tế trong quá trình nuôi dưỡng đam mê viết lách, sáng tác và hiểu sâu về cách thức đăng tải, công bố tác phẩm,...

Sinh viên Khoa KHXH&NV - Trường Đại học Cần Thơ đặt câu hỏi giao lưu cùng các Nhà thơ, Nhà văn 

Sinh viên Khoa KHXH&NV phấn khởi khi nhận được món quà từ Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên 

Các nhà thơ, nhà văn đã ký tặng sách cho từng khách mời và sinh viên tham dự như một lời gửi gắm hy vọng và niềm tin vào thế hệ trẻ tiếp nối thơ ca, văn chương về sau.

Các Nhà thơ, Nhà văn ký tặng sách cho TS. Tạ Đức Tú, Phó trưởng khoa KHXH&NV và TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó trưởng BMNV - Trường Đại học Cần Thơ 

Nhà thơ, NTK Huệ Thi ký tặng sách cho Sinh viên

Buổi tọa đàm đã kéo dài hơn dự kiến nhờ sự chia sẻ nhiệt thành, tâm huyết của các diễn giả, khách mời và không khí sôi động, hưởng ứng đầy phấn khởi từ các bạn sinh viên.

Tọa đàm Thơ 1,2,3 đã diễn ra thành công tốt đẹp với những giá trị, ý nghĩa nhân văn được trao gửi. Buổi chia sẻ đã mở ra một góc nhìn mới mẻ và độc đáo về thể thơ 1,2,3. Đồng thời, đây còn tạo cơ hội quý giá để sinh viên Khoa KHXH&NV được giao lưu, học hỏi, lắng nghe chia sẻ của những người dày dặn kinh nghiệm đi trước. Giữa cuộc sống hiện đại, những vần thơ vẫn cứ ngân vang, gieo vào tâm hồn mỗi người những suy tư, rung động về cuộc sống. Là Thế hệ trẻ Sinh viên, chúng ta hãy tiếp nối vào dòng chảy thi ca ấy và hãy cùng sẵn sàng đón chờ những buổi gặp gỡ, giao lưu thú vị khác trong thời gian tới nhé!

Bài: Đan Thanh

Ảnh: Đoàn khoa KHXH&NV

 

 

 

            Vào lúc 18 giờ 30 (ngày 06 tháng 10 năm 2024), tại Hội trường 106/C1 (Khu II, Trường Đại học Cần Thơ), Chương trình Chào đón Tân sinh viên khoá 50 ngành Văn học và ngành Báo chí với chủ đề Bình minh châu thổ đã diễn ra thành công tốt đẹp. 

Về tham dự chương trình có Ban chủ nhiệm Khoa KHXH&NV, Ban chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn, các đơn vị tài trợ, cán bộ giảng viên và 125 Tân sinh viên hai ngành Văn học và Báo chí.

 Giảng viên, sinh viên Bộ môn Ngữ văn, Khoa KHXH&NV chụp ảnh lưu niệm

            Chào đón Tân sinh viên là hoạt động truyền thống của Bộ môn Ngữ văn. Đây là dịp để Tân sinh viên được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin nhằm hiểu hơn về môi trường học tập, thầy cô, bạn bè - những người sẽ đồng hành với sinh viên trong suốt những năm tháng trên giảng đường Đại học. 

 

 

TS Trần Văn Thịnh - Phó Trưởng bộ môn phụ trách (Bộ môn Ngữ văn) phát biểu chào mừng

            Với chủ đề Bình minh châu thổ, nhiều tiết mục văn nghệ mang âm hưởng của vùng sông nước Nam Bộ đã diễn ra trong khuôn khổ chương trình. Qua đây, Ban tổ chức muốn khơi gợi trong tâm hồn sinh viên tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất và con người vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long.

 


Các tiết mục văn nghệ do sinh viên K48 và K49 dàn dựng, biểu diễn

            Cũng trong Chương trình Chào đón Tân sinh viên khoá 50, Thầy Lý Thành Luỹ - đại diện Quỹ Sáng kiến xanh & Điện toán bền vững, đại diện Trung tâm Ngoại ngữ New Windows và anh Phan Thế Nguyễn - cựu sinh viên và cựu học viên của Bộ môn Ngữ văn cũng dành nhiều suất học bổng có giá trị cho các Tân sinh viên là thủ khoa ngành, sinh viên nỗ lực vượt khó.

 

Anh Phan Thế Nguyễn - cựu sinh viên và cựu học viên Bộ môn Ngữ văn trao học bổng cho tân sinh viên là thủ khoa ngành

 

Thầy Lý Thành Luỹ - đại diện Quỹ Sáng kiến xanh & Điện toán bền vững trao học bổng cho tân sinh viên có nhiều nỗ lực vượt khó trong học tập

 

 

Học bổng là các khoá học/gói học đến từ Trung tâm Ngoại ngữ New Windows

Tất cả sinh viên đã hào hứng tham gia phần trò chơi đố vui xoay quanh kiến thức về Văn học và Báo chí. Ngoài ra, các tân sinh viên cũng đã mạnh dạn phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi với Ban chủ nhiệm Bộ môn và các giảng viên về nhiều vấn đề liên quan học tập, hoạt động phong trào.

Trong 120 phút hào hứng, gần gũi và cởi mở, các bạn tân sinh viên K50 đã được nghe, được xem và được chia sẻ nhiều thông tin bổ ích. Sự kiện chào đón như một chiếc cầu nối giúp các bạn đến gần hơn với ngôi nhà Ngữ Văn.