KIỂU TỰ SỰ CHẤN THƯƠNG TRONG TIỂU THUYẾT “HOANG TÂM” CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ
Phạm Khánh Duy
Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
TÓM TẮT
Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú là một trong những tác phẩm đặc sắc nằm trong dòng văn học chấn thương đương đại Việt Nam. Bằng kiểu tự sự chấn thương độc đáo, Nguyễn Đình Tú đã tái hiện chân thực những chấn thương mà chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary đã gây ra cho dân tộc. Chiến tranh, cái chết, sự huỷ diệt,... đã để lại những ám ảnh kinh khủng, trở thành những hồi ức đau thương không thể xoá nhoà trong tâm trí con người. Những chấn thương tinh thần, sự khủng hoảng tâm lý trầm trọng của các nhân vật (đặc biệt là Anh) trong tiểu thuyết Hoang tâm đã “di căn” sang thân thể, khiến nhân vật đánh mất đi chức năng sinh lý vốn có của người đàn ông. Những vết thương vô hình đó sẽ đi theo con người suốt cả cuộc đời. Khám phá những chấn thương của nhân vật trong tiểu thuyết Hoang tâm và lối tự sự chấn thương của Nguyễn Đình Tú là cơ sở để người viết đi đến các kết luận quan trọng về vấn đề chiến tranh và thân phận con người, cũng như tài năng văn chương độc đáo của Nguyễn Đình Tú.
Từ khoá: Chấn thương, chiến tranh, chế độ diệt chủng, Hoang tâm, Nguyễn Đình Tú
- MỞ ĐẦU
Cuộc chiến đấu chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary mãi là một sự kiện không thể nào quên trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Bởi nó đã đóng những dấu sâu xoáy vào lịch sử, hằn in vào tâm thức dân tộc những vết thương không thể chữa lành. Đã hơn 45 năm trôi qua, tính từ ngày chiến thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đến nay (07/01/1979 - 07/01/2024), thế nhưng nỗi đau mà cuộc chiến tranh gây ra vẫn đeo đẳng, bám riết con người. Trong đó, đáng kể đến là những người đã từng cầm súng và trở về từ cuộc chiến tranh khói lửa, mang trên thân thể và trong tâm hồn những vết thương vĩnh hằng.
Tự sự chấn thương là lối viết quen thuộc trong văn học chiến tranh. Trong văn xuôi tự sự về đề tài chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, những vết thương chiến tranh được các tác giả bóc trần trên tinh thần phản tư lịch sử. Điển hình cho dòng văn học chấn thương sau năm 2000 là Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú - một tiểu thuyết chân thật, đau xót và đầy ám ảnh về chiến tranh và thân phận con người. Nguyễn Đình Tú (sinh năm 1974) là nhà văn quân đội, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hoạt động trong môi trường văn chương chuyên nghiệp từ khi còn rất trẻ, Nguyễn Đình Tú sớm hình thành nên phong cách nghệ thuật độc đáo cho riêng mình, không trộn lẫn với những gương mặt khác trong bức tranh văn học đương đại.
Bài viết nghiên cứu tiểu thuyết Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú từ góc nhìn phê bình chấn thương. Từ đây, chúng tôi phát hiện ra những chấn thương di căn từ thân thể đến tinh thần, rộng ra là chấn thương lịch sử và chấn thương dân tộc. Đây chính là cơ sở để chúng tôi nhận thức lịch sử và có những đánh giá minh xác về nghệ thuật tự sự chấn thương của nhà văn tài năng Nguyễn Đình Tú.
- NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú được kết cấu theo lối song trùng - đặc trưng của tiểu thuyết hậu hiện đại. Tác phẩm bao gồm hai tuyến truyện đan xen với nhau: xưa và nay, chiến tranh và thời bình. Câu chuyện kể về nhân vật Anh, một người lính từng chinh chiến ở biên giới Tây Nam trong cuộc chiến đấu chống tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary xâm lăng vào vùng lãnh thổ nước ta. Sau chiến tranh, Anh may mắn trở về với một cơ thể lành lặn. Thế nhưng, chiến tranh đã để lại những nỗi ám ảnh kinh khủng trong Anh. Những hình ảnh chết chóc, tội ác diệt chủng cứ đeo bám lấy Anh, khiến Anh trở nên chao đảo, bấn loạn, không thể hoà nhập được với cuộc sống hậu chiến. Thậm chí, những tổn thương về tinh thần của Anh đã “di căn” sang sinh lý, khiến Anh mất đi bản năng sinh dục tạm thời. Với 318 trang sách, Nguyễn Đình Tú đã bóc trần những góc khuất của chiến tranh và thân phận của con người trong và sau cuộc chiến. Trong bài viết Hoang tâm hay một cuộc trở về với căn tính văn hoá in ở những trang đầu tiểu thuyết Hoang tâm, nhà phê bình văn học Inrasara cho rằng: “Lịch sử Việt nam giai đoạn qua đầy thiếu khuyết. Cải cách ruộng đất, đã có vài tác phẩm động cập đến, nhưng chưa nhiều. Chiến tranh biên giới Tây Nam càng hiếm hơn nữa. Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú nằm trong dạng hiếm ấy. Nhưng Hoang tâm không phải là tiểu thuyết sử thi, nơi người đọc hy vọng tìm thấy ở đó những trận đánh lớn, những chiến lược thể hiện vai trò và tài năng của các tướng lĩnh, hay tinh thần chiến đấu của binh sĩ các bên tham chiến. Nguyễn Đình Tú muốn nhấn vào khía cạnh khác, nhỏ lẻ và phân mảnh. Cho nên, nó người hơn” [1]. Soi chiếu tiểu thuyết Hoang tâm dưới ánh sáng của lý thuyết chấn thương - một lý thuyết phê bình văn học ra đời vào những năm 90 của thế kỷ XX tại Hoa Kỳ, đại diện là các học giả Cathy Caruth, Sigmund Freud,... chúng tôi nhận ra những vết thương khác nhau của con người trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử được Nguyễn Đình Tú thể hiện trong tác phẩm bằng lối tự sự độc đáo.
2.1. Hoang tâm - Nhìn từ chấn thương thân thể
“Chấn thương” (trauma) vốn là một thuật ngữ của y học và thể thao, trước hết chỉ những tác động vật lý lên cơ thể con người, gây ra những biến dạng, các vết thương với độ nông sâu khác nhau. Đó là lớp nghĩa sơ khai nhất của chấn thương. Trong lịch sử phê bình văn học, sự ra đời của lý thuyết chấn thương được đánh dấu bằng cuộc khủng bố và huỷ diệt người Do Thái của phát xít Đức (còn được gọi là nạn diệt chủng Holocaust và Auschwits), cuộc tấn công kinh hoàng bằng hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống hai thành phố Hirosima và Narasaki của Nhật Bản,... Trước tình trạng thê thảm, hàng triệu người thiệt mạng trong những cuộc tấn công, nhân loại băn khoăn về sự tồn tại của con người, giá trị của thân phận trước những biến động bạo liệt của lịch sử. Vấn đề vết thương trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học.
Thế kỷ XX, nước ta xảy ra nhiều biến động. Sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc (chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ), nhân dân ta lại tiếp tục bước vào những cuộc chiến tranh mới kéo dài cho đến chặng cuối của thế kỷ XX: chiến tranh biên giới (bao gồm biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc). Những xô đẩy dữ dội của thời cuộc đã khiến con người lao đao trong vòng xoáy khói lửa, sự sống, sự an toàn của con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Từ tham vọng xây dựng một “xã hội không tưởng” trên tinh thần “sô vanh”, “vị chủng” của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary (còn gọi là Khmer Đỏ) ở Campuchia, chúng đã tiến hành gây hấn với nhân dân Việt Nam ở biên giới Tây Nam, giết chóc hàng triệu người, làm sụp đổ nhiều ngôi chùa, huỷ hoại nhiều làng mạc. Trong tiểu thuyết Hoang tâm, Nguyễn Đình Tú đã tái hiện chân thực tình hình căng thẳng diễn ra ở biên giới Tây Nam, lực lượng Pol Pot tiến hành khủng bố quân và dân ta, gây ra nhiều cuộc thảm sát. Không né tránh hiện thực khốc liệt của lịch sử, Nguyễn Đình Tú đã đối diện với nỗi đau chiến tranh và mô tả vết thương con người ở các dạng thức khác nhau. Ban đầu là những chấn thương cá nhân. Trong cuộc thảm sát tiểu đội thanh niên xung phong ở xóm Tân Lập, Pol Pot đã làm biến dạng thân thể của hàng chục cô gái tuổi đời còn rất trẻ. Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Tú, vết thương của mỗi cá nhân hiện ra với những hình hài khác nhau, nhưng nhìn chung đều xót xa, đau đớn tận cùng: Hằng “bị cắt đứt cuống họng, chết trong tư thế ngồi, tay buông thõng” [5, tr.81]; Gấm “bị bọn K cắt đầu”, “trong một tư thế như con ếch nằm ngửa, cửa mình bị cắm một củ sắn” [5, tr.85], “đầu Gấm được cắm vào một ngọn măng mới nhú” [5, tr.87];... Sau đó là những chấn thương tập thể (theo đúng nghĩa), bởi dưới bàn tay đầy tội lỗi của Pol Pot, thi thể của những cô gái đã bị phân ra manh mún và hoà lẫn vào nhau: “những mẩu thịt vung vãi”, “một đoạn tóc, một mảng da đầu, một cánh tay, một ống chân, một con mắt, một mẩu môi, một vành tai, một chóp mũi, một đầu vú, một mảnh mông”, “không một thân xác nào còn nguyên vẹn” [5, tr.83]. Chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary thật tàn độc và khát máu, chúng không từ một hành vi nào để huỷ diệt đồng loại cho thoả mãn khát vọng giơ cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tái hiện lại những chấn thương, vết thương, song sự khủng khiếp của Hoang tâm không chỉ nằm ở chỗ vết thương sâu bao nhiêu, đau đớn đến mức độ nào; mà là “cái tác động vô hạn của chấn thương” [2] mà lịch sử đã đóng dấu lên mỗi phần đời, lên tập thể con người trong thời kỳ chiến tranh chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Rõ ràng, trong Hoang tâm, những chấn thương cá nhân đã được Nguyễn Đình Tú mở rộng ra thành chấn thương tập thể, chấn thương dân tộc và chấn thương lịch sử. Nỗi đau đó không phải của riêng Hằng, Gấm hay bất kỳ một cô gái nào trong tiểu đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam trước sự xâm lăng của Pol Pot. Đó là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam sau năm 1975, khi đất nước vẫn đang hân hoan trong niềm vui chiến thắng, lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến tranh mới mà tính chất của nó ác liệt không kém gì cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đó. Chiến tranh nói chung, chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary nói riêng đã làm rúng động lịch sử, đời sống con người bị chao đảo, để lại những nỗi đau không thể xoá nhoà.
Khi bước ra từ cuộc chiến, nhân vật Anh trong Hoang tâm may mắn khi không mang trên mình một vết thương hữu hình nào. Theo lẽ thường, những chấn thương thân thể sẽ “di căn” sang tinh thần con người. Nhân vật Anh là một trường hợp đặc biệt, ngược lại với chiều di căn thông thường theo chiều từ thân thể sang tinh thần, thì, ở Anh là di căn từ tinh thần sang thân thể. Chấn thương của nhân vật Anh cũng là một dạng đặc biệt. Đó không phải là những vết thương cắt xoáy vào da thịt, chảy máu hoặc lở loét; mà là sự thiếu hụt ở chức năng sinh lý đàn ông. Từ chiến trường trở về, Anh có thể nỗ lực để hoà nhập vào cuộc sống mới nhưng không thể làm cho bộ phận sinh dục của mình hoạt động như những người bình thường được. Những dư chấn tâm lý đã tạm thời làm chấn thương cơ quan sinh dục của Anh, kéo lê cuộc đời Anh trong tự ti, mặc cảm. Sau này, vấn đề con người tự ti, mặc cảm về sự thiếu hụt một chức năng hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể được Sigmund Freud nâng lên thành mặc cảm thiến hoạn. Biểu hiện của chấn thương sinh dục ở Anh được Nguyễn Đình Tú miêu tả cụ thể, chân thực, giàu sức gợi: “con chim Anh không cương lên được, vẫn thõng xuống, như trái chuối bóc vỏ treo bên cạnh hai quả chanh ủng, dù đầu khấc lộ ra ngoài, tròn trịa và cân đối” [5, tr.106]. Những hình ảnh đó cứ trở đi trở lại trong tác phẩm, thể hiện tình trạng vô cùng tồi tệ đối với Anh: một người đàn ông mất đi năng lực tình dục tạm thời. Chấn thương sinh dục xuất hiện từ khi nhân vật Anh - người lính vệ quốc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pol Pot - Ieng Sary - bước ra từ khói lửa chiến tranh và trở về với cuộc sống đời thường. Nó kéo dài, dai dẳng, khiến Anh ngày càng tự ti, cô đơn, đánh mất niềm vui sống. Trong hoàn cảnh tồi tệ đó, nhân vật Son Phấn trở thành “vị bác sĩ” bất đắc dĩ chữa lành những thương tổn của Anh: “Cô làm rất từ từ, như thầy thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân, như người hút những ung nhọt trên thân thể con trai, như con chó cái liếm lành vết thương cho con chó đực” [5, tr.113]. Nguyễn Đình Tú không ngần ngại dùng những từ ngữ nhạy cảm, đậm màu sắc tính dục để lột tả những chấn thương sinh lý của con người bước ra từ chiến tranh. Đó là cách mà nhà văn làm lộ diện những góc khuất của con người, của chiến tranh mà văn học thường ít khi đề cập.
Với những người đã có những trải nghiệm nhất định về chiến tranh, thấu hiểu được nỗi đau và sự huỷ diệt của bom đạn, họ không bao giờ xem vết thương thân thể là những huân chương mà lịch sử đã trao tặng cho mỗi phần đời. Ngược lại, vết thương chiến tranh là dấu tích của nỗi đau, sợ huỷ diệt, đổ nát mà con người không bao giờ mong muốn xuất hiện. Trong lịch sử văn học hiện đại nước ta, rất nhiều người trước khi cầm bút đã từng cầm súng chiến đấu, kinh qua chiến tranh, hiểu rõ bản chất của đau thương, phũ phàng của chiến tranh. Nói riêng mảng sáng tác về đề tài chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, các tác giả như Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thành Nhân, Bùi Thanh Minh, Đoàn Tuấn,... đều đã từng xông pha trên chiến trường biên giới Tây Nam và chiến trường K trong những năm tháng căng thẳng, máu lửa và đầy hy sinh, mất mát. Nguyễn Đình Tú là một trong số những trường hợp đặc biệt, khi mà nhà văn này không trực tiếp cầm súng, không kinh qua chiến tranh nhưng lại viết rất tốt về đề tài chiến tranh, xây dựng thành công kiểu con người chấn thương, giúp người đọc hình dung được diện mạo của cuộc chiến tranh khốc liệt, đầy thử thách. Từ những trang viết về chấn thương chiến tranh mà Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú) là ví dụ điển hình, có thể nhận ra, dù chiến thắng vinh quang hay vĩnh viễn nằm lại trong thời kỳ tối tăm, kinh hoàng của lịch sử thì chiến tranh chưa bao giờ là điều mà dân tộc mong muốn. Trở về từ cuộc chiến đấu chống Khmer Đỏ, nhân vật Anh trong Hoang tâm mang trong lòng nỗi căm phẫn, thù địch chiến tranh bởi nó để lại những thương tổn kinh khủng không sao đo đếm được. Và dù cho người cầm bút có từng trải qua chiến tranh hay không, thì khi xây dựng kiểu con người chấn thương, phản ánh vấn đề chiến tranh từ những khía cạnh bên ngoài đến những góc khuất, những tầng sâu bên trong, các tác giả cũng đã tự chữa lành cho chính mình, cho dân tộc mình, cho những người mang ký ức đau thương, mất mát.
Từ những nghiên cứu trên cho thấy, chấn thương thân thể không chỉ có biểu hiện là các vết thương, những nứt toác trên cơ thể con người mà còn là sự thiếu hụt chức năng của một bộ phận nào đó trên cơ thể. Trong cơn thịnh nộ của chiến tranh, con người mang trên mình những chấn thương thân thể, gặm nhấm niềm đau đớn xót xa. Đa phần, những vết thương trên cơ thể con người, nói cách khác là vết sẹo của chiến tranh, khó có thể chữa lành, bôi xoá.
2.2. Hoang tâm - Nhìn từ chấn thương tinh thần
Thực chất, nội hàm thuật ngữ “chấn thương” (trauma) không chỉ là những sây sát, biến dạng về mặt thân thể bên ngoài; mà còn là những chấn động dữ dội ở bên trong tâm hồn, ám ảnh tâm lý dữ dội. Sarah Eilefson (2015) dùng cụm từ chấn thương tâm lý (trauma psychic) để chỉ những vết thương bên trong tâm hồn, vết thương tinh thần do sự tác động từ nhiều phía: “vấn đề chấn thương chuyển từ mô tả vết thương hoặc thương tích trên cơ thể để hướng đến bao gồm cả sự tổn thương về mặt tâm lý của con người” [3, tr.5]. Các đại diện của lý thuyết chấn thương, đặc biệt là Sigmund Freud và Cathy Caruth đều đề cập chấn thương tinh thần con người qua những biểu hiện cụ thể, là kết quả tất yếu của những tác động bên ngoài trong quá khứ. Sigmund Freud (2020) từng viết: “những người bị bịnh thần kinh vì bị thương cũng không thể đem so sánh với những người bị bịnh thần kinh tự nhiên”, “Nhưng hai loại người bịnh này giống nhau hoàn toàn ở điểm này: cả hai, bị bịnh vì bị thương hay vì tự nhiên đều trở về thời kỳ tai nạn xảy ra làm họ bị thương. Trong giấc mơ họ thường sống lại cảnh đó; trong những trường hợp bị lên cơn động kinh, cơn nào cũng làm cho họ quay trở lại thời kỳ đó” [4, tr.233]. Những ám ảnh triền miên, sự trở lại bất chợt của những ký ức đau thương, nỗi âu lo trăn trở, kinh khủng hơn là bệnh thần kinh (mà Freud từng dùng thuật ngữ “hysteria” trong lý thuyết phân tâm học để chỉ)... chính là những biểu hiện của chấn thương tinh thần.
Thế giới nhân vật trong Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú là những con người mang chấn thương khủng khiếp trong tâm lý. Chiến tranh, sự đổ nát, cảnh đồng loại bị Pol Pot sát hại, cách thanh trừng tàn độc, những hố chôn tập thể,... tất cả đã trở thành những ký ức kinh khủng đeo đẳng tâm trí con người kể cả khi cuộc chiến tranh chống chế độ diệt chủng kết thúc. Bàn về chấn thương tâm lý do chiến tranh, Lê Tú Anh (2013) cho rằng: “Vết thương khó liền miệng nhất trong những thương tổn mà lịch sử để lại là những ám ảnh hãi hùng về sự huỷ diệt kinh hoàng của chiến tranh” [1]. Quả thế, lịch sử là niềm tự hào của một dân tộc, nhưng nó cũng để lại những đau thương cho con người. Những xô đẩy dữ dội của lịch sử khiến con người trở nên lao đao, hoài nghi về thế giới xung quanh và về chính mình, thậm chí trở nên căng thẳng, bấn loạn, uất ức, trầm cảm, cô đơn,... Những tưởng, ám ảnh về chiến tranh chỉ có mặt trong tâm trí của nhân vật Anh sau khi cuộc chiến tranh kết thúc; nhưng không, ngay khi chiến tranh diễn ra, Anh đã mang những ám ảnh nặng nề về cái chết thảm khốc của đồng đội. Hình ảnh những thi thể rã rời của tiểu đội thanh niên xung phong đã in sâu vào tâm trí Anh, khiến Anh không thể giữ được sự bình tĩnh trong con người ngay trong những khoảnh khắc bình lặng: “Anh biết, những hình ảnh mà Anh chứng kiến hôm đó không dễ gì xoá nhoà đi được. Nó ám lấy đầu óc Anh, hễ có dịp là lại hiện về bủa vây, bóp nghẹt lồng ngực tưởng đã bê tông hoá trước vô vàn những biến cố của cuộc đời” [5, tr.81]. Khi nghĩ về người lính, văn học thường đề cập đến phẩm chất dũng cảm của họ, ca ngợi tinh thần không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng xông pha vào tử địa để giơ cao ngọn cờ chính nghĩa, thậm chí bất chấp sự hy sinh. Nhưng liệu có hoàn toàn như thế, khi người lính - dẫu sao - cũng là một con người bình thường, cũng biết hãi hùng trước sự huỷ diệt, mất mát, hy sinh? Văn học chấn thương đã phản ánh rất rõ đời sống tinh thần của người lính, đặc biệt là những dư chấn tâm lý do bom đạn chiến tranh, tang thương, chết chóc gây ra. Hình ảnh “chính giữa bụi tre, đầu Gấm được cắm vào một ngọn măng mới nhú, xoay mặt về phía Anh” [5, tr.87] (ở tuyến truyện quá khứ, chiến tranh) đã ám ảnh Anh mãi về sau, để khi chứng kiến nghi lễ mổ não của bộ tộc Khi bí ẩn (ở tuyến truyện hiện tại, hậu chiến), Anh “tự thú”: “Anh đã bị ám ảnh bởi hành động mổ não man rợ và thần bí ấy” [5, tr.241]. Những hồi ức chiến tranh kinh khủng đã biến Anh trở thành một kẻ khó hiểu, cô độc lạc lõng ngay cả khi sống bên cạnh những người thân yêu, nó đã phá vỡ đi niềm hạnh phúc của những người xứng đáng được hạnh phúc:“Tôi đã nằm riêng một phòng nhưng không ngủ được thì sinh ra nói năng lẩn thẩn, đôi khi hét lên mà không biết. Tôi đã vào viện rồi lại ra viện. Vợ tôi bắt đầu tin rằng, cô ấy đã không may khi lấy phải một người chồng mắc bệnh điên. Và người điên thì có thể làm mọi điều, kể cả giết vợ con mình” [5, tr.232]. Rõ ràng, những tác động lên cơ thể con người trong thời hậu chiến đều là những dấu hiệu khơi gợi lại những ký ức kinh hoàng chưa bao giờ ngủ yên trong tâm trí của Anh. Cũng như Anh, nhân vật Vu cũng bị chấn thương tâm lý trầm trọng, thậm chí phát sinh biểu hiện bấn loạn, không làm chủ được bản thân. Chứng kiến thi thể không toàn thây của Gấm, Vu “giật lên từng cơn, phát ra những tiếng nấc liên hồi” [5, tr.87].
Viết về những chấn thương tinh thần của con người trong thời kỳ chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, Nguyễn Đình Tú cũng như những nhà văn khác như Sương Nguyệt Minh, Khuất Quang Thuỵ, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Ngọc Tiến,... không chỉ phản ánh tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, nỗi đau thấu trời của nhân dân, mà còn làm rõ vấn đề thân phận người lính vệ quốc, người lính tình nguyện Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử đầy thử thách. Cathy Caruth (1996) đã dùng khái niệm “kinh nghiệm chấn thương” để làm rõ vấn đề con người chấn thương, bà viết: “mô tả một kinh nghiệm choáng ngợp về những sự kiện đột ngột hay thảm hoạ mà phản ứng đối với sự kiện đó thường xuất hiện dưới dạng ảo giác và các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái diễn một cách không kiểm soát được” [2, tr.11]. Để mô tả thành công những “kinh nghiệm chấn thương” của các nhân vật trong Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú) hay những tiểu thuyết khác về đề tài chiến tranh chống chế độ diệt chủng, bản thân nhà văn cũng có những trải nghiệm nhất định về chiến tranh, thậm chí là kinh nghiệm chấn thương (thân thể, tinh thần). Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhiều nhà văn viết về đề tài chiến tranh chống Pol Pot - Ieng Sary từng là người lính trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó. Không chỉ thế, sự kiện chiến tranh chống chế độ diệt chủng đã tác động mạnh vào đời sống văn chương, trở thành nguồn cảm hứng cho những nhà văn chưa từng kinh qua chiến tranh cũng có thể đặt bút miêu tả diện mạo và tính chất huỷ diệt của nó.
2.3. Hoang tâm - Nhìn từ lối viết chấn thương
Nhìn Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú từ góc nhìn của lý thuyết phê bình chấn thương, chúng tôi không chỉ nhận ra kiểu con người mang “chấn thương kép” (chấn thương thân thể và chấn thương tinh thần) mà còn thấy được phương thức tự sự chấn thương của nhà văn. Nghiên cứu Hoang tâm từ góc độ lối viết chấn thương là cơ sở để chúng tôi đánh giá minh xác tài năng văn chương của Nguyễn Đình Tú.
Khác với kiểu xây dựng nhân vật truyền thống, các nhân vật (đặc biệt là Anh) trong Hoang tâm được Nguyễn Đình Tú đập vỡ thành nhiều mảnh vụn rồi phân ra hai tuyến truyện. Theo Dương Thị Ánh Tuyết (2021): “Có thể hiểu, nhân vật mảnh vỡ là kiểu nhân vật mà cuộc đời của họ bị chia cắt thành những mảnh vụn rời rạc, đứt đoạn theo dòng hồi ức, kỷ niệm, sự kiện xảy ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai” [6]. Xây dựng nhân vật Anh, Nguyễn Đình Tú đã phá bỏ chuẩn mực của các đại tự sự truyền thống. Câu chuyện của Anh được nhà văn chia thành từng lát cắt và sắp xếp đan xen theo trật tự: hiện tại - quá khứ - hiện tại ... Cùng là nhân vật Anh, thế nhưng Anh trong tuyến truyện thời chiến tranh khác với Anh trong tuyến truyện thời hậu chiến. Trong quá khứ, Anh là một người lính sôi nổi và đầy nhiệt thành, giàu lòng yêu, sự rung cảm và khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc, cho chính nghĩa. Thời hậu chiến, Anh may mắn sống sót và trở về quê hương, song sự sôi nổi, nhiệt huyết của ngày trước đã tạm thời mất đi, khát vọng sống một cuộc đời tươi đẹp cũng không còn. Anh phải kéo lê đời mình trong nỗi buồn, sự cô đơn, trống trải, mang trong mình những chấn thương vô hình khó có thể chữa lành. Thực ra, với câu chuyện như vậy, Nguyễn Đình Tú hoàn toàn có thể xây dựng câu chuyện theo kiểu truyền thống, nghĩa là không cần đập vỡ nhân vật thành nhiều mảnh vụn rồi nhọc công xếp đặt sao cho hợp lý, đầy đủ. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Tú lại chọn phương án khó khăn nhất để khoác lên tác phẩm của mình một màu sắc mới - màu sắc hậu hiện đại. Xếp đặt lát cắt nhân vật trong chiến tranh và lát cắt nhân vật trong thời hậu chiến xen lẫn nhau, Nguyễn Đình Tú làm rõ “hành trình” chấn thương của nhân vật. Chiến tranh đã đóng dấu lên cuộc đời nhân vật Anh và nhiều người khác nữa, làm chấn thương thể xác con người mà đỉnh điểm của chấn thương là cái chết bi phẫn, làm tổn thất tinh thần, để lại những ám ảnh sâu đậm, những ký ức kinh khủng khó có thể xoá sạch trong phần đời còn lại của mỗi người. Chấn thương của nhân vật Anh trong Hoang tâm được mở rộng ra thành chấn thương thế hệ, chấn thương dân tộc, chấn thương lịch sử. Có thể nói, chấn thương trong Hoang tâm đã vượt ngoài biên giới của một cá nhân, mang tính khái quát.
Không gian, thời gian cũng là những yếu tố quan trọng trong tự sự chấn thương của Nguyễn Đình Tú. Để phản ánh những chấn thương nhức nhối của nhân vật, trong Hoang tâm, nhà văn đã tạo dựng kiểu không gian, thời gian ám ảnh gắn liền với cuộc chiến tranh. Đó là không gian chiến trường biên giới Tây Nam trong những năm Pol Pot tràn sang gây hấn với dân tộc ta, giết chóc đồng bào ta, gây ra nhiều vụ thảm sát tang thương, khiến nhiều chiến sĩ cách mạng của ta hy sinh. Kiểu không gian, thời gian này xuất hiện ở các chương 2, 4, 6, 8, 10, 12, 14, 16. Trong không gian chiến trường, Nguyễn Đình Tú chú trọng tô đậm sự u ám, tăm tối, heo hút, nhân vật Anh và những người đồng đội bị ném vào “giữa bãi chiến trận đang hồi khốc liệt nhất” [5, tr.45]. Thậm chí, không gian ấy còn phảng phất mùi tử khí do hằng ngày hằng giờ con người phải đối mặt với cái chết: “chục cái xác rải khắp khu đồng trống”, “mấy căn lán đã biến thành cái lò sát sinh cho lũ K thoả sức làm công việc của những tên đồ tể”, “bọn K mang rải cốt nhục chị em lên mặt ruộng, phơi bày một thảm cảm rùng rợn trên diện rộng” [5, tr.81-83]. Không gian đó phần nào tác động đến tâm lý con người, in sâu trong tâm trí của nhân vật, khiến đời sống tinh thần nhân vật bị tổn thương ngay cả khi những Anh, Vu,... đã thoát khỏi cái không gian đầy ám ảnh đó. Ở tuyến truyện kể về nhân vật Anh trong thời hậu chiến còn có kiểu không gian, thời gian cô đơn và không gian, thời gian phi lý. Về không gian, thời gian cô đơn, đó là cuộc sống thanh bình, sôi động của đất nước sau chiến tranh. Bom đạn, bóng dáng của Pol Pot đã lùi vào quá khứ. Tuy vậy, các nhân vật, đặc biệt là Anh, vẫn không tìm được sự thú vị, niềm vui riêng, không thể hoà nhập vào cuộc đời. Không khí càng rộn rã, nhân vật Anh càng đơn độc, thu mình, kinh khủng hơn là có dấu hiệu trầm cảm và ý định tự sát: “Tôi cũng đã tin rằng mình là một người mắc bệnh tâm thần, mà bệnh tâm thần thì chẳng có thuốc nào chữa khỏi. Tôi đã nghĩ đến chuyện tự sát...” [5, tr.233]. Có thể khẳng định, tuy chưa thực đậm, song Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú đã phảng phất đâu đó bóng dáng fantasy (kỳ ảo) - là sự manh nha cho hành trình văn chương fantasy của Nguyễn Đình Tú sau này. Chất kỳ ảo, huyền diệu trong Hoang tâm nằm ở những sự kiện, tình tiết, đặc biệt là không gian mang tính phi lý, kỳ ảo: khu du lịch Cửa Núi với những điều bí ẩn, dân tộc Mụ và người Khi với đặc trưng phong tục tập quán kỳ dị, với những câu chuyện huyền thoại đặc sắc,... Không gian huyền ảo, phi lý đó nằm ở tuyến truyện về nhân vật Anh thời hậu chiến, huyền thoại có mặt giữa đời thường. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Đình Tú đưa độc giả đến địa danh Nguyên Thuỷ, theo nhà văn, “Nguyên Thuỷ là một huyện nghèo thuộc một tỉnh miền núi phía Bắc đất nước. Chục năm trở lại đây nó được khách du lịch biến đến vì người ta phát hiện ra Cửa Núi. Còn trong tâm thức của nhiều người, Nguyên Thuỷ không có gì đáng nói ngoài bảy mươi phần trăm dân số là người dân tộc Mụ và sơn tra nhiều hơn lúa” [5, tr.16]. Cửa Núi như một lối dẫn các nhân vật bước vào thế giới huyền ảo, nơi có các dân tộc ít người với tập tục kỳ quặc, trái khoáy như người Mụ, người Mã, người Khi,... Huyền thoại về cơn đại hồng thuỷ, cổ mẫu con sông chảy ngang qua truyền thuyết, người nguyên thuỷ, người rừng,... càng làm cho không gian này nhuốm màu bí ẩn. Tất nhiên, những chi tiết mà Nguyễn Đình Tú tưởng tượng, sáng tạo, xây dựng không hề vô nghĩa mà có liên quan mật thiết với vấn đề chấn thương ở nhân vật. Không gian huyền ảo, phi lý cũng chính là không gian trốn chạy của nhân vật Anh, để rồi khi không thể chạy trốn được nữa, nhà văn đã để cho nhân vật Anh được đánh thức bởi bàn tay của người phụ nữ Mụ, đưa Anh ra khỏi những “mông lung chập chờn của vô thức” [5, tr.310]. Con người khó có thể trốn tránh quá khứ, không nên trốn tránh quá khứ. Phải mạnh mẽ đối diện với sự khủng hoảng ký ức và vượt qua nỗi đau cá nhân. Trong những không gian trên, nhân vật Anh đã “tự thú” và “tự thuật” những chấn thương của chính mình, đồng thời nỗ lực chữa lành những chấn thương về thể xác và tinh thần mà chiến tranh đã hằn lên cơ thể.
- KẾT LUẬN
Ta có thể nhận thấy, những chấn thương thể xác và chấn thương tinh thần của thế giới nhân vật nói chung, nhân vật Anh nói riêng trong tiểu thuyết Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú có cội rễ từ chiến tranh. Chiến tranh đã huỷ diệt một cách ghê gớm sự sống con người, nó lấy đi của con người sự yên lành và ném trả về những tổn thương sâu sắc. Hoang tâm là một trong những minh chứng sống động, hùng hồn về lối viết chấn thương trong văn học đương đại Việt Nam, là “mảnh ghép” quan trọng của văn học chấn thương đương đại. Với nghệ thuật tự sự chấn thương độc đáo, khả năng đào sâu vào thế giới bên trong, đời sống tinh thần, tâm hồn của con người, Nguyễn Đình Tú đã làm sống lại một thời kỳ lịch sử đau thương, nhưng cũng không kém phần hào hùng, vĩ đại của dân tộc. Viết về chiến tranh từ góc độ những chấn thương “kép”, chấn thương “di căn” của con người là “con đường riêng” mà Nguyễn Đình Tú lựa chọn để thể hiện vấn đề chiến tranh và thân phận con người trong hoàn cảnh đầy thử thách của lịch sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Anh, Lê Tú (2013), Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học chấn thương Việt Nam và quan điểm nghiên cứu, Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh,
- Caruth, Cathy (1996), Unclaimed Experience: Trauma and The possibility of Hisory (Kinh nghiệm không được khẳng định, chấn thương và những khả năng lịch sử) (Trần Ngọc Hiếu dịch), https://hieutn1979.wordpress.com/2013/03/29/cathy-caruth-nhung kinh-nghiem-khong-duoc-khang-dinh-chan-thuong-va-nhung-kha-nang-cua-lich-su/
- Eilefson, Sarah (2015), The Trauma Thesis: Medical and Literary Representations of Psychological Trauma in the Twentieth Century, Chicago.
- Freud, Sigmund (2020), Phân tâm học Nhập môn (Nguyễn Xuân Hiếu dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
- Tú, Nguyễn Đình (2013), Hoang tâm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
- Tuyết, Dương Thị Ánh (2021), Nhân vật mảnh vỡ qua tập truyện Trốn chạy của Alice Munro, Trường Đại học Sư phạm Huế - Khoa Ngữ văn, https://khoanguvandhsphue.edu.vn/2021/09/22/nhan-vat-manh-vo-qua-tap-truyen-tron-chay-cua-alice-munro/
TRAUMA NARRATIVE IN THE HOANG TAM (PARANOIA) OF NGUYEN DINH TU
Pham Khanh Duy
School of Social Science and Humanities, Can Tho University
ABSTRACT
Hoang tam (Paranoia) by Nguyen Dinh Tu is one of the unique works in contemporary Vietnamese trauma literature. With a unique trauma narrative, Nguyen Dinh Tu has realistically recreated the trauma that the war against the genocidal regime of Pol Pot-Ieng Sary caused to the nation. War, death, destruction, etc have left terrible obsessions, becoming painful memories that cannot be erased in the human mind. The mental trauma and serious psychological crisis of the characters (especially Anh) in the novel Hoang tam (Paranoia) have “metastasized” to the body, causing the characters to lose their inherent physiological functions. Those invisible wounds will follow people throughout their lives. Exploring the trauma of the characters in the novel Hoang tam (Paranoia) and Nguyen Dinh Tu’s trauma narrative is the basis for the writer to come to important conclusions about the issue of war and the human condition, as well as talent Nguyen Dinh Tu’s.
Keywords: Trauma, war, genocide, Hoang tam (Paranoia), Nguyen Dinh Tu.