TRUYỆN NGẮN YÊU NƯỚC Ở THÀNH THỊ MIỀN NAM (1954 - 1975)  CỦA CÁC NHÀ VĂN GỐC HUẾ

NHÌN TỪ PHÂN TÂM HỌC

ThS. Phạm Khánh Duy[1]

 (Tham luận được trình bày tại Hội thảo vào ngày 01/06/2024, in trong Kỷ yếu Hội thảo)

  1. GIỚI THIỆU

Từ những năm 54 - 55 của thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam chứng kiến những biến động dữ dội của chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Sự kiện đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc cùng với sự xuất hiện của đế quốc Mỹ với tham vọng thực thi “chủ nghĩa thực dân mới” trên toàn miền Nam đã làm thay đổi mọi mặt. Những giấc mộng đẹp của nhân dân về một Tổ quốc thanh bình; không còn tiếng súng bom; không còn cảnh chia lìa, đau thương, mất mát... ngay khi đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi lãnh thổ đã nhanh chóng tan biến. Cảnh hỗn loạn, bắt lính, tra tấn dã man những người dân vô tội diễn ra liên tiếp, lan rộng từ thành thị đến miền quê xa xôi hẻo lánh. Bên cạnh đó, hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trong lòng các đô thị miền Nam (từ năm 1955 đến năm 1975) là minh chứng cho một chế độ mới được hình thành, là “sản phẩm” của nhóm chính trị chống Cộng mang tên Quốc gia Việt Nam (thời kháng Pháp) và sự hậu thuẫn tối đa của quân đội Mỹ: Việt Nam Cộng hoà (Republic of Vietnam). Chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Vietnam Domocratic Republic) càng khao khát thống nhất đất nước bao nhiêu thì Việt Nam Cộng hoà lại càng muốn Tổ quốc chia cắt sâu sắc và lâu dài bấy nhiêu. Sự ngang ngược, tàn bạo, vô nhân đạo, phi lý của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của triệu người dân yêu nước.

            Văn học luôn song hành cùng lịch sử dân tộc, là tấm gương phản chiếu hiện thực lịch sử và con người trong những hoàn cảnh khác nhau. Từ năm 1955 đến năm 1975, hoà cùng không khí nóng rát của lịch sử dân tộc, nền văn học Việt Nam phân cành, rẽ nhánh thành những bộ phận khác nhau, tiêu biểu là văn học xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, văn học vùng giải phóngvăn học vùng tạm chiếm miền Nam (còn gọi là văn học thành thị miền Nam). Nói riêng văn học thành thị miền Nam, bộ phận này lại tiếp tục phân chia thành những khuynh hướng chuyên biệt, đáng nói đến là khuynh hướng yêu nước, tuyên truyền tranh đấu chống quân xâm lược Mỹ và phê phán chính quyền Việt Nam Cộng hoà, tìm về cội nguồn dân tộc. Không khí sáng tác sôi động và sự phát triển mạnh mẽ của truyện ngắn yêu nước đã góp phần định vị bộ phận văn học yêu nước ở thành thị miền Nam, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, đi đến thống nhất đất nước. Tìm hiểu khuynh hướng văn học yêu nước, chúng tôi nhận ra một lực lượng sáng tác hùng hậu đến từ Huế - vùng đất cố đô giàu trầm tích lịch sử và truyền thống văn hoá, văn học, đồng thời cũng là một trong những trung tâm tranh đấu ở miền Nam giai đoạn 1955 - 1975. 

            Trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu truyện ngắn yêu nước của các nhà văn gốc Huế dưới ánh sáng của lý thuyết phân tâm học. Đây là lý thuyết ra đời ở châu Âu vào cuối thế kỷ XIX, nhanh chóng dấn thân vào các lĩnh vực nghiên cứu như tâm lý, tôn giáo, dân tộc, tội phạm... và văn chương trong khu vực và trên thế giới. Từ đây, một lần nữa chúng tôi nhìn nhận lại giá trị, sự đóng góp của văn học yêu nước thành thị miền Nam, đặc biệt là không khí sáng tác đầy sôi động của đội ngũ tác giả gốc Huế, cho dòng chảy của văn chương nước nhà.

  1. VÀI VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT

            2.1. Khái quát lý thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học

            Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu của thế kỷ XX, học thuyết phân tâm học (Psychanalysis) đã ra đời ở châu Âu mà cha đẻ của nó chính là Sigmund Freud (người Áo gốc Do Thái). Học thuyết này lấy phần vô thức trong con người làm đối tượng nghiên cứu, từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu, góp phần chữa trị căn bệnh tâm thần của con người. Khái niệm “vô thức”, theo Tự điển tâm lý học, là “khái niệm dùng để chỉ sự tập hợp các cấu tạo, quá trình và cơ chế tâm lý mà sự vận hành và ảnh hưởng của chúng chủ thể không ý thức được” [8]. Vô thức tiềm ẩn sức mạnh vô biên, đôi khi nó lấn át cả phần ý thức, khiến con người có những suy nghĩ và hành động khác thường mà chính chủ thể cũng không thể lý giải được. Phân tâm học đã trải qua một hành trình vô cùng gian nan, trong đó, mỗi lần đại diện mới xuất hiện là một lần lý thuyết này được làm mới, bổ sung, có người tiếp thu và phát triển từ quan điểm của “cha đẻ” Sigmund Freud, cũng có người ly khai hoàn toàn với gốc rễ ban đầu. Một số đại diện của phân tâm học, có thể kể đến: Sigmund Freud, Carl Jung, Gaston Bachelard, Jacques Lacan... Tiêu biểu hơn cả là phân tâm học của Sigmund Freud và người học trò xuất sắc của ông - Carl Jung (còn gọi là “tâm phân học”).

            Từ những lý thuyết căn nền về phân tâm học, các nhà nghiên cứu đã ứng dụng học thuyết này trong nghiên cứu, phê bình các lĩnh vực khác nhau, trong đó có văn học nghệ thuật. Trong công trình A Reader’s Guide to Comtemporary Literary Theory (tái bản lần 5), nhóm tác giả cho rằng: “Về cơ bản, phê bình phân tâm học văn học quan tâm đến sự rõ ràng của tình dục trong ngôn ngữ, nó đã chuyển qua ba điểm nhấn chính trong việc theo đuổi vô thức văn học: về tác giả (và hệ quả của nó: nhân vật), về người đọcvề văn bản. Nó bắt đầu với phân tích của Sigmund Freud về tác phẩm văn học như một triệu chứng của nghệ sĩ, trong đó mối quan hệ giữa tác giảvăn bản tương tự như giấc mơ văn bản của họ (tác phẩm văn học = trí tưởng tượng); lý thuyết phê bình phân tâm học đã được sửa đổi bởi đại diện ‘hậu Freud’ trong một bài phê bình phản ứng phân tích tâm lý của người đọc, trong đó mối quan hệ chuyển đổi của người đọc với văn bản được dùng làm giới thuyết căn nền; lý thuyết ‘hậu Freud’ gây tranh cãi chính là phê bình cổ mẫu của Carl Jung” (người viết dịch từ bản tiếng Anh) [10]. Phê bình phân tâm học quan tâm đến giấc mơ, tính dục ấu thời, những ẩn ức, dồn nén, chứng Hysteria... (theo Sigmund Freud); hành vi của con người và những biểu tượng văn hoá có cội nguồn từ vô thức tập thể (theo Carl Jung). Đặc biệt, từ cây phân tâm học của Sigmund Freud, Carl Jung đã phát triển thành “cành nhánh” phê bình cổ mẫu, là “chìa khoá vàng” để truy tìm những vết tích của con người trong quá khứ trên bề mặt các văn bản văn học.

            Phân tâm học du nhập vào nước ta từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhanh chóng được các nhà nghiên cứu đón nhận. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên việc tiếp nhận phân tâm học bị đứt gãy qua các thời kỳ. Dẫu thế, vượt qua những thử thách dữ dội của lịch sử, phê bình phân tâm học cũng đạt được những thành tựu nhất định, gắn liền với tên tuổi của một số nhà nghiên cứu như: Trương Tửu, Liễu Trương, Đỗ Lai Thuý, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Thanh Hà, Hoàng Đăng Khoa, Đỗ Hải Ninh, Văn Thị Phương Trang... Những nhà nghiên cứu này đã đưa phê bình phân tâm học tại Việt Nam vươn lên tầm cao mới.

            2.2. Hoàn cảnh lịch sử - xã hội ở miền Nam (1954 - 1975) và sự hình thành của văn học yêu nước trong lòng thành thị

            Năm 1954 đến 1975 là giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, cuộc kháng chiến chống Pháp thành công. Những tưởng nước ta sẽ bước vào thời kỳ hoà bình, hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nhưng không, hiệp ước Genève đã chia cắt lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm ranh giới phân ly. Lợi dụng tình thế đó, đế quốc Mỹ nhanh chóng có mặt ở miền Nam, thay Pháp thực thi chính sách “thực dân mới”, bảo trợ cho chính quyền Sài Gòn, mở ra một cuộc chiến tranh mới trên đất nước ta. Trong hai mươi năm ròng, dân tộc Việt Nam phải sống trong cảnh Tổ quốc máu thịt bị chia cắt, với hai thể chế chính trị khác nhau: miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; miền Nam, dưới sự tiếp tay của Mỹ, đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm (Việt Nam Cộng hoà). Mặt khác, sự can thiệp sâu sắc của người Mỹ ở miền Nam (Việt Nam) đã làm xáo trộn mọi thứ, từ chính trị, văn hoá, xã hội đến văn học nghệ thuật. Kết cục bi thương nhất là sự bùng nổ của chiến tranh, gây ra bao hy sinh, mất mát, đau thương cho dân tộc. Nguyễn Thị Thu Trang (2015) viết: “Suốt hơn hai mươi năm đất nước bị ngăn đôi, nỗi niềm nhớ thương của người dân hai miền hay sự xáo trộn về dân cư, sự xâm nhập pha trộn văn hoá vùng miền là một nguyên nhân gây nên những đổi thay trong đời sống và tâm lý của người dân. Tuy nhiên, tác động chính và chi phối nghiêm trọng đến xã hội vẫn là sự xuất hiện của người Mỹ và cuộc chiến tranh kéo dài” [7, tr.4].

            Văn học thành thị miền Nam 1954 - 1975 phân ra thành nhiều khuynh hướng khác nhau như chống Cộng, đồi truỵ khiêu dâm, thoát ly hưởng thụ... nhưng nhân văn và phát triển mạnh mẽ nhất chính là khuynh hướng yêu nước tiến bộ của các tác giả một lòng trung trinh với cách mạng, với Đảng Cộng sản. Trong luận án Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong các thành thị miền Nam 1954 - 1975 (đặc điểm và thành tựu), Trần Hữu Tá (1994) đã nêu bật một số đặc điểm của văn học yêu nước như sau: (1) “gắn bó chặt chẽ với phong trào đấu tranh trong các thành thị, nói rộng ra với cả công cuộc giải phóng miền Nam” [12, tr.8], (2) “xác lập được nguồn cảm hứng chủ đạo, nhất quán và sáng tạo được nhiều phương thức hoạt động độc đáo, đa dạng” [12, tr.9], (3) “tập hợp được nhiều lực lượng viết khác nhau và hình thành được những trung tâm tranh đấu lớn” [12, tr.10]. Có thể nói, văn học yêu nước ở thành thị đã góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, hướng đến mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự phát triển của khuynh hướng này là minh chứng rõ rệt cho mục đích sáng tác văn chương từng được Hồ Chí Minh đúc kết ngắn gọn trong câu nói: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn càng chèn ép, hòng tiêu diệt các lực lượng cách mạng và ngăn cản sự ảnh hưởng của văn học yêu nước đến với đời sống nhân dân thành thị miền Nam; thì khuynh hướng văn học ấy càng phát triển mạnh mẽ, không khí sáng tác diễn ra sôi nổi, số lượng và chất lượng tác phẩm được nâng cao.

            Vượt qua sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Sài Gòn, văn học yêu nước vẫn tồn tại và lan rộng trong lòng thành thị miền Nam, tác động không nhỏ đến đời sống văn chương lúc bấy giờ. Trong quyển Văn học miền Nam - tổng quan, Võ Phiến (2000) khẳng định văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 nói chung, khuynh hướng yêu nước nói riêng có những điểm độc đáo, khác hoàn toàn với văn chương thời tiền chiến: “Hai mươi năm đảo điên, thảm khốc vừa qua trong tình hình miền Nam Việt Nam tất nhiên cũng là hai mươi năm đổi thay xáo trộn trong tâm hồn người miền Nam. Xáo trộn đổi thay thật là sâu xa. Bởi vậy giữa tâm hồn con người thời này với tâm hồn con người thời tiền chiến, giữa văn chương thời này với văn chương thời tiền chiến có những khác biệt lớn và đột ngột” [13, tr.129-130]. Ở địa hạt văn học yêu nước, vẫn là sự xuất hiện của những áng văn xuôi, thơ ca tuyên truyền cách mạng, cổ vũ chiến đấu, lên án quân xâm lược (Mỹ) và tay sai (chính quyền Sài Gòn). Song, một nội dung khá quan trọng nổi rõ trong văn học yêu nước 1954 - 1975 là “tìm về dân tộc” (chữ dùng của Lý Chánh Trung), nghĩa là bám vào cội rễ, truyền thống, văn hoá tránh khỏi tình trạng “bật gốc” giữa lúc đế quốc Mỹ ráo riết mở cuộc xâm lăng văn hoá trên khắp miền Nam nước ta. Một số cây bút tiêu biểu trong khuynh hướng văn học yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975, có thể kể đến: Võ Đình Cường, Phan Du, Tô Nguyệt Đình, Thiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Hạnh, Lê Vĩnh Hoà, Võ Hồng, Trang Thế Hy, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Viễn Phương, Nguyễn Văn Xuân, Võ Trường Chinh, Nguyễn Hoàng Thu, Nguỵ Ngữ, Tiêu Dao Bảo Cự, Tần Hoài Dạ Vũ... Trong số đó, những cây bút xuất thân từ mảnh đất Huế - một trong những trung tâm tranh đấu lớn giai đoạn 1954 - 1975 chiếm số lượng áp đảo, chứng tỏ rằng về hoạt động đấu tranh lẫn hoạt động sáng tác theo đường lối yêu nước của con người xứ Huế rất sôi nổi, đáng trân trọng.

  1. DẤU ẤN PHÂN TÂM HỌC TRONG TRUYỆN NGẮN YÊU NƯỚC (1954 - 1975) CỦA CÁC NHÀ VĂN GỐC HUẾ

            3.1. Vô thức thân phận con người trong bối cảnh đất nước bị chia cắt

            Đọc văn học yêu nước ở thành thị miền Nam (đặc biệt là truyện ngắn yêu nước), có thể dễ dàng nhận ra kiểu nhân vật ám ảnh thân phận. Lý giải điều này, tác giả Đàm Nghĩa Hiếu (2014) cho rằng, vô thức phận người “xuất phát từ nỗi đau của con người trước thế cuộc, trước chiến tranh, để đi đến nỗi đau trước chính mình, trước tồn tại và niềm hoài nghi bất tận” [5, tr.156]. Vô thức thân phận đã làm nảy sinh mặc cảm lưu vong (hay tâm thức lưu vong, lưu đày). Thực chất, khái niệm “lưu vong, lưu đày” (exile) xuất phát từ khuynh hướng hậu thực dân - một đặc trưng của chế độ thực dân và thuộc địa. Trong bài nghiên cứu Tâm thức lưu đày trong truyện ngắn yêu nước ở đô thị miền Nam 1965 - 1975, Bùi Thanh Thảo (2015) đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của tâm thức lưu vong bằng cách dẫn lại một số nhận định trong công trình Key concepts in post - colonial studies (Bill Ashcoft, Gareth Griffiths and Helen Tiffin). Nhóm tác giả này đã luận giải tâm thức lưu vong “bao gồm quan niệm về sự chia cắt và khoảng cách từ quê hương thực sự hoặc từ nguồn gốc văn hoá và dân tộc” [2, tr.92]. Thông qua đây, Bùi Thanh Thảo (2015) đi đến khẳng định:“Tâm thức lưu đày không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ nhà, nhớ quê của những người con xa xứ mà còn là nỗi đau đớn vì bị ‘bật gốc’ khỏi quê nhà. ‘Bật gốc’ cả về không gian lẫn văn hoá, cũng có thể chỉ ở phương diện văn hoá, nhưng cảm giác càng lúc càng xa với gốc rễ khiến con người cảm thấy bị lưu đày” [3, tr.58]. Không cần phải di dân sang một đất nước khác; ngay khi sống trên mảnh đất quê hương mình - một đất nước đang bị chia cắt, chiến tranh và sự “góp mặt” của văn hoá Mỹ - nhiều người rơi vào tình trạng chông chênh thân phận, có cảm giác “thiếu quê hương” (chữ dùng của Nguyễn Tuân).

            Vì sao Tổ quốc của mình lại bị chia cắt? Vì sao một đất nước lại tồn tại hai thể chế chính trị (Việt Nam Dân chủ Cộng hoàViệt Nam Cộng hoà)? Vì sao người Mỹ lại ngang nhiên đưa văn hoá của họ vào đất nước của mình, thực thi chính sách “Mỹ hoá”, đồng thời giày xéo lên quê hương đất nước của mình, bóc lột và tàn sát nhân dân mình?... Những câu hỏi đó cứ day dứt, dằng xé tâm trí của các nhân vật trong truyện ngắn yêu nước của các nhà văn gốc Huế nói riêng, trong văn học yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975 nói chung. Rơi vào tình cảnh “làm văn sĩ trong những xứ không được tự do ngôn luận” [6, tr.20], không thể thoải mái cất lên tiếng nói phê phán bọn đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhân vật Tuấn trong truyện ngắn Cũng cứ viết để bảo vệ những thằng Cu Tý của Võ Đình Cường cảm thấy lạc lõng, đau đớn, xót xa, thậm chí là cắn rứt lương tâm: “Trong hơn tám năm chiến tranh, chàng đã câm miệng hết, đau xót nhận thấy mình bất lực, vô dụng giữa một thế giới đang biến thiên, đầy hứa hẹn và cũng đầy gian khổ. Chàng đã nhìn cuộc đời như một khán giả cô độc ngồi xem kịch, thầm lặng tán đồng hay chỉ trích, thần phục hay phỉ nhổ những vai trò trên sân khấu vĩ đại, chỉ có thế thôi. Nhưng cái im lặng đó chứa đựng biết bao chua xót, đớn đau” [6, tr.24]. “Im lặng” và rồi tự nhục nhã với ngòi bút, với thiên chức của một nhà văn, nhân vật Tuấn băn khoăn, trăn trở trước ranh giới của việc viết để sống và viết để đấu tranh. Câu hỏi của Tuấn: “Nhưng làm sao tương lai của các con tươi sáng được nếu trong hiện tại có những người cha như cha đã đầu hàng trước bạo lực, có những nhà văn như cha đã trốn nhiệm vụ của mình?” [6, tr.28] vang lên như một lời tự cảnh tỉnh chính mình, là kết quả tất yếu của quá trình xung đột nội tâm và sự đấu tranh để lựa chọn một trong hai con đường: “tồn tại” và “sống” đúng nghĩa.

            Chiến tranh đã lấy đi sự bình yên, niềm hạnh phúc của dân tộc, ném trả về những chia ly, tang tóc, đau đớn, bao vết thương thân xác và tinh thần khó có thể chữa lành. Trong cơn bão táp của lịch sử, biết bao người đã lầm lạc trong việc lựa chọn đường đi của mình để rồi phải suy tư, trăn trở về thân phận, cảm thấy xấu hổ với Tổ quốc, với dân tộc và với chính mình. Anh lính trong truyện ngắn Về miền xuôi của Huỳnh Ngọc Sơn, sau mấy năm đi lính phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà và đế quốc Mỹ, đã trở về trong tình trạng thân tàn ma dại. Chấn thương thân thể (qua hình ảnh cái chân bị cụt đầm đìa máu) chẳng là gì so với chấn thương tinh thần của anh. Trên chuyến xe về miền đồng bằng duyên hải, anh lính đã trăn trở về thân phận của mình: “Bây giờ về nhìn mặt vợ con sao đành? Một chân gửi lại chiến trường vô ích. Hai cái gậy, mấy cái huy chương, vài lời an ủi của những thằng tướng tá béo trùng trục không thể chắp vá cuộc đời lành lặn được. Nhưng anh không thể không trở về” [6, tr.292]. Phải sống như thế nào trong những tháng ngày kế tiếp, đối diện ra sao với đồng bào mình? Rõ ràng, anh lính rơi vào tình trạng chông chênh, trăn trở cho sự tồn tại của bản thân. Những nhân vật như Bình, “tôi” (người kể chuyện) trong truyện ngắn Con thú tật nguyền của Nguỵ Ngữ đã đăng lính Prou, tôn thờ khẩu hiệu “ra đi vì đời”. Kết cục của sự lựa chọn sai lầm là cái chết đầy ám ảnh của Bình và nỗi ân hận, sự nhục nhã của nhân vật “tôi”: “Cũng như Bình sứt, tôi không có gì cả. Cho đến ngày hôm nay tôi mới nhận thế sao? Bây giờ thì không còn mày. Tao một mình về đây. Mà có ai để mang tao về. Tôi đuối sức rồi. Tôi muốn yên nghỉ. Tôi muốn trở về thu nhặt lại từ đầu. Bắt đầu lại đời mình, lặng lẽ, riêng tư” [6, tr.190]. Lời độc thoại: “Cho tôi trở về, Bình. Tao khốn đốn quá rồi” [6, tr.191] là kết quả của sự giằng co giữa ra đi và trở về, giữa việc tiếp tục đi trên con đường tội lỗi và hoàn lương. Ẩn đằng sau tâm sự của nhân vật “tôi” chính là khát vọng được quay về, thoát khỏi kiếp đời lính Prou, được sống thực là một con người chứ không phải là kẻ “bán linh hồn cho quỷ”. Không giống như nhân vật Bình hay “tôi” trong Con thú tật nguyền (Nguỵ Ngữ) - những kẻ chủ động bước chân vào con đường sai trái, nhân vật bác T. trong truyện ngắn Tự do hay là chết của Tiêu Dao Bảo Cự lại bị dồn đẩy vào địa ngục trần gian. Từ một người nông dân hiền lành, lương thiện, yêu thương vợ con, có trách nhiệm với gia đình, bác T. trở thành nạn nhân của cuộc tra tấn dã man, chịu những đớn đau rã rời về thể xác. Tiêu Dao Bảo Cự đã đặt nhân vật của mình trước ranh giới mong manh giữa “tự do” và “chết”. Những trăn trở về thân phận của mình và của dân tộc cứ miên man trong tâm trí bác T.: “Tự do hay là chết. Bác phải chọn một trong hai bằng một hành động tích cực. Không riêng gì bác mà cả dân tộc bác cũng phải lựa chọn như thế. Từ ngày vào tù bác mới có dịp hiểu hơn, thấy rõ hoàn cảnh của đồng bào qua những bạn tù chung quanh. Dân tộc của bác đã bị khinh khi, bóc lột, kềm kẹp, chà đạp và dồn đến chân tường, bờ vực thẳm. Không thể kêu thương khẩn cầu gì nữa mà phải vùng lên bứt xiềng bẻ xích” [6, tr.109]. Tất nhiên, từ nhận thức đến hành động của bác T. là hành trình rất dài, đầy cam go, thách thức.

            Có thể thấy, trong bối cảnh chia cắt và chiến tranh, những nhân vật trong truyện ngắn yêu nước tồn tại trong lòng thành thị miền Nam của các nhà văn gốc Huế đều trăn trở, day dứt về thân phận. Thế nhưng, một sự thật phũ phàng là sau quá trình vô thức thân phận ấy, các nhân vật rất khó khăn trong việc thực hiện giấc mơ, khát vọng của mình, sống một cuộc đời như bản thân mong ước. Những biến động bạo liệt của lịch sử, sự tàn độc, vô nhân đạo của quân xâm lược Mỹ và chính quyền Sài Gòn không dễ dàng để nhân vật Tuấn (Cũng cứ viết để bảo vệ những thằng Cu Tý, Võ Đình Cường) sống yên ổn khi Tuấn làm tròn trách nhiệm của một nhà văn: viết để phản ánh thực tế cuộc sống; anh lính (Về miền xuôi, Huỳnh Ngọc Sơn) có thể hoà nhập được với gia đình và những người thân yêu sau khi trở về từ lãnh địa của kẻ thù đang đày đoạ đồng bào mình?; nhân vật “tôi” (Con thú tật nguyền, Nguỵ Ngữ) sẽ bình an trở về hay phải chịu đựng một kết cục đau đớn không kém cạnh Bình?; và nhân vật bác T. (Tự do hay là chết, Tiêu Dao Bảo Cự) chấp nhận chết để được “tự do” trong tâm hồn, để không phải chịu những đớn đau thể xác và đặc biệt là không phải thoả hiệp với chính quyền Sài Gòn để được sống một cuộc đời nhơ nhuốt... Những kết cục đó không phải được tạo thành từ cái nhìn bi quan, bế tắc của người cầm bút, mà là tất yếu của lịch sử. Qua đây, các nhà văn phản ánh chân thực hiện thực lịch sử, làm rõ bản chất của xã hội và vạch trần tội ác của bọn đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cổ vũ tinh thần yêu nước cùng quá trình tranh đấu của nhân dân.

            3.2. Giấc mơ với những xung đột dữ dội trong nội tâm con người

            Một trong những đối tượng nghiên cứu quan trọng của phân tâm học là giấc mơ. Điều đặc biệt, hai đại diện xuất sắc nhất của phân tâm học là Sigmund Freud và Carl Jung đều có những phát kiến về giấc mơ, trong đó, Freud được xem là người tiên phong trong nghiên cứu và lý giải giấc mơ con người. Trong quyển Phân tâm học nhập môn, Sigmund Freud (2002) cho rằng: “Cái tôi trong giấc mơ đã rũ bỏ được hết những sự ràng buộc về luân lý, thoả mãn mọi sự đòi hỏi của bản năng tình dục, của bản năng luôn luôn bị nền giáo dục về nghệ thuật của chúng ta cấm đoán, những bản năng chống lại với mọi kìm kẹp của luân lý” [11, tr.123]. Giấc mơ là một hiện tượng được tạo thành từ cơ chế tâm lý (sự biến đổi tâm lý của con người). Qua giấc mơ, con người có thể thoả mãn được những điều mà trong cuộc sống bình thường họ bị ràng buộc bởi vấn đề đạo đức, luân lý. Khi bị ức chế tâm lý, những ám ảnh trong quá khứ hoặc hiện tại, tinh thần của con người sẽ bị khủng hoảng trầm trọng. Những trạng thái này được chuyển hoá thành giấc mơ. Hành trình của vô thức sẽ diễn ra.

            Không hoàn toàn đồng thuận với Sigmund Freud khi học giả này cho rằng “việc tạo ra giấc mơ chủ yếu có nguồn gốc từ tính dục” [1, tr.171], Carl Jung khẳng định cội nguồn của giấc mơ mang tính phổ quát hơn, đó là “những mối ưu tư”, “vấn đề căn bản về sự tồn tại của loài người” [1, tr.171]. Quan điểm của Carl Jung chính là “kim chỉ nam” để chúng tôi nhận diện và kiến giải giấc mơ các nhân vật trong truyện ngắn yêu nước của các nhà văn gốc Huế. Trong truyện ngắn Tự do hay là chết của Tiêu Dao Bảo Cự, sau khi trải qua sự tra tấn dã man, nhân vật bác T. bị ám ảnh bởi những hình thức tra tấn vô cùng tàn độc (bằng búa, bằng nước xà bông, bằng chân, bằng điện, bằng kim, bằng roi, bằng lửa) của chính quyền Sài Gòn. Những cảnh tượng man rợ trong phòng thẩm vấn đã đeo đẳng tâm trí của người nông dân chất phác, hiền lành, trở thành giấc mơ kinh khủng của bác T.: “Ba gã thẩm vấn như ba con quý luôn luôn ám ảnh bác. Gã to con, gã mặt thẹo và nhất là gã lùn. Gã lùn bé nhỏ, mắt ti hí nham hiểm luôn có những trò tra tấn tàn bạo, độc ác” [6, tr.107-108]. Không dừng lại ở đó, đúng như cách gọi “những mối ưu tư” [1, tr.171] của Jung, một giấc mơ khác của nhân vật bác T. được hình thành từ những ưu tư, lo âu, trăn trở về thân phận của những người trong gia đình nhỏ mà chỉ có bác T. mới đủ sức làm trụ cột, gồng gánh. Đó là hình ảnh người vợ điên dại, đáng thương: “Đêm hôm đó bác không ngủ mà vẫn nằm mơ thấy những cảnh khủng khiếp. Bác mơ thấy vợ bác đầu bù tóc rối, vừa nói lảm nhảm vừa đi ra bến sông lội xuống nước” [6, tr.107]; hình ảnh đứa con gái tội nghiệp cùng những dự cảm về tương lại không mấy tốt đẹp của nó: “Hình ảnh vợ bác vừa chìm xuống thì hình ảnh đứa con gái bác hiển hiện. Nó nằm sóng soải trên mặt đường loang lổ máu. Một ống chân nát, xương thịt be bét. Chiếc xe nhà binh Mỹ to lớn vẫn còn gầm gừ sau khi thắng lết hơn mười thướt trên mặt đường” [6, tr.107]. Trong truyện, nhân vật bác T. bị tra tấn dữ dội về thể xác, nhưng kỳ thực tâm lý, tinh thần của bác T. cũng tổn thương không kém. Diễn ngôn chấn thương (trauma discourse) chiếm ưu thế hơn hẳn trong tác phẩm của Tiêu Dao Bảo Cự.

            Theo Carl Jung (2020), giấc mơ là “những sự kiện tự nhiên, tự phát, diễn tiến độc lập với ý chí hay ý định của ý thức”, “vừa có mục đích vừa mang tính bù đắp ở chỗ chúng có vai trò thúc đẩy sự cân bằng và cá thể hoá của nhân cách” [1, tr.172-173]. Ông không phủ nhận việc Freud cho rằng giấc mơ mô tả công khai ước muốn hoặc sự sợ hãi, nhưng Jung đã mở rộng lý thuyết “mộng” của Freud và đặt ra vấn đề giấc mơ có thể chứa đựng những sự thật không thể tránh khỏi, như tuyên ngôn triết học, ảo giác, huyễn tưởng, ký ức, kế hoạch, dự báo... và mang chức năng cân bằng thái độ phiến diện của ý thức, góp phần vào sự phát triển của nhân cách. Giấc mơ của người đàn bà đứng ở giàn dưa leo trong truyện ngắn Giấc mơ êm đềm của Huỳnh Ngọc Sơn có sự phân tầng, bậc rõ ràng. Thứ nhất, đó là “giấc mơ ràn rụa” [6, tr.316] về quá khứ đau thương: đoàn hát tan rã bởi giặc Mỹ tấn công, con trai bà trốn đi lính quốc gia, sống cảnh ly gia ly hương. Thứ hai, đó là giấc mơ - nói đúng hơn là - ảo - giác, huyễn - tưởng về đứa con trai trở về trong dáng hình đứa cháu nội, về một đoàn hát mới được thành lập, đối lập với thực tại phũ phàng. Giấc mơ thứ hai nối tiếp giấc mơ thứ nhất, cả hai đều song hành cuộc đời đau thương của bà lão, gắn liền với những ám ảnh sâu đậm về cuộc chia lìa và những khát vọng về phần đời sau này hạnh phúc ấm êm, tiếp nối truyền thống tuồng hát vẻ vang của gia đình. Trong đó, giấc mơ thứ hai đẹp đẽ, lung linh hơn giấc mơ thứ nhất, đúng như hai tiếng “êm đềm” mà Huỳnh Ngọc Sơn chọn đặt ở nhan đề, dù nó chấp chới, vô định: “Bóng tối đã trùm kín ba người, nhưng trước mắt bà lão một khoảng sáng trưng chạy dài đến vô biên. Hết giặc, quân ngoại xâm rút đi, con bà trở về, một đoàn hát mới thành lập, ôi chao, đẹp biết mấy ngày hoà bình!” [6, tr.321]. Từ đây, ta thấy được khát vọng về ngày sum họp, về một đất nước thanh bình chiếm trọn tâm hồn của bà lão già nua gần đất xa trời. Đó cũng là ước mơ chung của bao người trong thời kỳ đất nước bị chia cắt - một khát vọng hết sức nhân văn!

            Với Carl Jung (2020), để giải mã được những giấc mơ, mộng tưởng, cần phải tìm kiếm và xác định “bối cảnh văn hoá của giấc mơ” [1, tr.184], mặc dù hầu hết những giấc mơ chỉ là những mảnh vụn vỡ, rời rạc, những sự kiện ngắn, đôi khi không đầu không cuối. Thực chất, giấc mơ của nhân vật bác T. (Tự do hay là chết, Tiêu Dao Bảo Cự) hay giấc mơ của bà lão (Giấc mơ êm đềm, Huỳnh Ngọc Sơn) đều có khởi nguồn từ “văn hoá”. Khi tiến hành xâm lược miền Nam (Việt Nam), “đi liền với những hoạt động tuyên truyền đường lối chiến tranh, phổ biến văn hoá Mỹ của JUSPAO là nhiều trung tâm văn hoá, hội Việt - Mỹ được thành lập ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế” [9, tr.27]. Chính sách xâm lăng văn hoá của Mỹ đã làm mất mát nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mà từ bao đời những giá trị đó được ấp ủ, gìn giữ trong các làng mạc, thôn xóm, thị thành, rộng lớn hơn là trên lãnh thổ Việt Nam. Giấc mơ về gia đình của bác T. (Tự do hay là chết, Tiêu Dao Bảo Cự) gắn với hình ảnh làng quê trù phú, giấc mơ về đoàn hát tuồng đã tan rã và ước vọng về sự thành lập một đoàn hát mới của bà lão (Giấc mơ êm đềm, Huỳnh Ngọc Sơn) đều xuất phát từ nỗi niềm tiếc nuối, thậm chí là đau đớn xót xa khi những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc (văn hoá làng xóm, nghệ thuật biểu diễn...) đã bị mai một, mất mát hoặc biến chất; thay vào đó là cảnh miền Nam ngổn ngang dưới gót giày xâm lược của Mỹ. Những ý niệm này đôi khi không được thể hiện cụ thể, rõ ràng trên bề mặt tác phẩm mà bén rễ ngay trong tâm thức của người cầm bút. Bởi họ đã trải qua những ngày chiến tranh khói lửa, chứng kiến hiện thực miền Nam đau thương, xót xa, rã rời, bệ rạc giai đoạn 1954 - 1975.

            3.3. Con người mắc chứng cuồng loạn (Hysteria)

            Trong học thuyết phân tâm học, Sigmund Freud quan tâm sâu sắc đến chừng cuồng loạn (Hysteria) của con người. Hysteria là một trạng thái tâm lý, đúng hơn là một triệu chứng của bệnh thần kinh, không gây ra những tổn thương thực thể mà sang chấn tâm lý, tinh thần. Khi nghiên cứu Hysteria, Sigmund Freud đã chỉ rõ nguyên nhân cũng như những biểu hiện cụ thể của chứng bệnh này. Người mắc chứng cuồng loạn có thể do những biến cố dữ dội trong cuộc sống tác động đến tâm lý hoặc chấn động từ trong quá khứ. Mặt khác, Sigmund Freud (2002) khẳng định, Hysteria “là triệu chứng trực tiếp của một sự đầu độc về tình dục, hình thức biểu diễn về cơ thể của một sự khích động khát dục” [11, tr.236], nghĩa là không được thoả mãn tình dục và ham muốn luyến ái dẫn đến cuồng loạn. Biểu hiện của chứng cuồng loạn là thần kinh suy nhược, lo sợ, u uất, thậm chí là quằn quại, đớn đau trong thời gian dài và từ đó nảy sinh những suy nghĩa và hành động lầm lạc, sai trái.

            Trong truyện ngắn yêu nước 1954 - 1975 của các nhà văn gốc Huế, chúng tôi bắt gặp một vài trường hợp nhân vật mắc chứng cuồng loạn mà căn nguyên của tình trạng đó là những day dứt, ám ảnh trong quá khứ (và cả hiện tại) gây chấn động tâm lý một cách trầm trọng. Dưới ánh sáng của lý thuyết phê bình phân tâm học, chúng ta có thể phần nào giải thích được những “động cơ vô thức” của kiểu nhân vật Hysteria. Một trường hợp con người mắc chứng cuồng loạn tiêu biểu là nhân vật Sáu Dền trong truyện ngắn cùng tên của Trần Duy Phiên. Qua ngòi bút của Trần Duy Phiên, nhân vật Sáu Dền kỳ dị từ diện mạo đến lời lẽ, cử chỉ, hành động, chẳng khác gì một loài quỷ dữ. Chứng cuồng loạn của nhân vật này biểu hiện ở những hành vi mất nhân tính, man rợ, diệt chủng, vượt khỏi giới hạn cho phép của một con người. Hành vi vô thức của Sáu Dền là đối xử tàn nhẫn, xâm phạm thân thể, tấn công tình dục và chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ. Thông qua lời tự kể của người phụ nữ, sau này là vợ Sáu Dền, ta nhận ra sự tàn độc, vô nhân đạo của hắn: “Hắn đưa tôi xuống một pháo đài hầm, dùng một tay tướt hết quần áo tôi ra, một tay dí thẳng lưỡi lê vào ngực tôi. Cưng mà phản kháng, buộc lòng anh phải dùng lưỡi dao này xin cưng chút tim, chút gan, chút mật” [6, tr.219]. Kinh khủng hơn, trên trang viết của Trần Duy Phiên, nhân vật Sáu Dền còn là kẻ chuyên sát hại và ăn thịt đồng loại, một con quỷ đội lốt người khát máu: “Thuở đó hắn còn trẻ chừng hăm hai hăm ba tuổi nhưng hắn đã phá đời hàng trăm cô gái, hắn xơi đến mấy chục cái gan người” [6, tr.218]. Bằng kỹ thuật điện ảnh, Trần Duy Phiên đã “zoom” cận ống kính của mình để tái hiện lại cảnh Sáu Dền xử lý cái xác người: “Trước hết hắn ra riêng cái đầu cắm vào một cây dài, dùng một tí dầu bờ-ri-ăn-tin chải lại mái tóc cho thẳng đường ngôi để sáng mai vào bêu ở chợ, sau đó hắn vạch từ ngực đến rốn cái xác, cho tay vào bứt tim và gan” [6, tr.219]. Chi tiết “cái vòng tai khô” mà Sáu Dền đeo trên cổ cứ trở đi trở lại đầy ám ảnh. Đó là chứng tích tội ác của Sáu Dền, là “ký hiệu” thông báo cái bản chất con người của nhân vật đã bị thui chột, ném trả về cho hắn bản chất của một con thú. Nhân vật Sáu Dền là “sản phẩm” của chế độ Việt Nam Cộng hoà, dưới sự tiếp tay của quân xâm lược Mỹ. Đồng thời, nhân vật này cũng là hình ảnh đại diện cho những kẻ tàn tạ nhân tính, mất đi cái quý giá nhất là bản chất con người sau khi phục vụ đắc lực cho chính quyền Sài Gòn; lời “dự báo” của Trần Duy Phiên cho những người thanh niên lầm lạc trong việc lựa chọn đường đi cho mình.

            Hình ảnh nhân vật lão Quế trong truyện ngắn Đứa con của loài bò sát của Huỳnh Ngọc Sơn cũng rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý, dẫn đến những hành vi kỳ quặc có thể lý giải được. Bị bắt bớ vô lý, bị tra tấn dã man cùng hiện thực xót xa của dân tộc đã để lại nỗi đau xót, mất mát lớn lao ở nhân vật lão Quế, tác động mạnh mẽ vào tâm lý, khiến nó bị tổn thương nghiêm trọng. Triệu chứng của căn bệnh tâm lý ở lão Quế là sự thu mình, nhân hình thương tật, nhếch nhác của ông trong buồng giam: “Lão Quế ngồi riêng trong một góc trống. Tóc phủ mù mịt mặt mày, tóc chảy xuống cổ nhễ nhại, tóc che khuất cả hai lỗ tai. Khuôn mặt lão trông dài ngoằng, lưỡng quyền và sống mũi nhô cao. Đôi mắt toét nhèm, nhấp nháy chậm chạm. Bộ râu cằm bạc phơ bê bết đất đen dơ bẩn. Lão ngồi chồm hổm , cúi đầu, hai tay bị xiềng cột cứng lấy hai đầu gối nhô cao” [6, tr.286]. Đáng nói hơn cả là hành vi “ngồi im lặng, mắt nhìn lơ đãng như mải dõi theo một hình ảnh đẹp tận đâu đâu” [6, tr.287] của ông lão, mặc dù thực tại đoạ đày trước mắt không đẹp chút nào. Dưới ngòi bút của Huỳnh Ngọc Sơn, dường như phần ý thức của nhân vật lão Quế đã ngủ quên đâu đó, để cho phần vô thức lên ngôi. Thân xác ông lão dở sống dở chết trong thực tại, còn tâm hồn ông lão đang lãng du theo miền xa xăm nào, hướng về những điều đẹp đẽ. Khi con người còn cảm nhận được nỗi đau trong thực tại là khi ý thức họ vẫn còn, họ vẫn còn đang thực sự “sống”; còn khi không cảm nhận được những gì đang diễn ra nữa, dù nó đau xót, chua chát, là lúc họ bị tổn thương nặng nề ở tâm lý, khiến tâm lý biến đổi. Nhân vật lão Quế thuộc kiểu người như thế. Đặt trong mối tương quan với nhân vật Sáu Dền (Sáu Dền, Trần Duy Phiên), nếu triệu chứng hysteria của hắn thật đáng sợ, kinh khủng, gây hại cho những người bên cạnh, làm méo mó, biến dạng chất người; thì ở nhân vật lão Quế, hysteria chỉ là những biến đổi hành vi người, nhân vật “thoát ly” hiện tại để hướng đến những điều cao đẹp, như một cách chạy trốn.

            Kiểu nhân vật mắc chứng hysteria không phổ biến trong truyện ngắn yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975. Khảo sát sáng tác của các nhà văn gốc Huế, chúng tôi chỉ nhận ra một vài trường hợp hiếm hoi, song cũng thật đáng nói. Bởi lẽ việc nhà văn xây dựng kiểu nhân vật này hoàn toàn có mục đích, hoặc bày tỏ thái độ phê phán (nhân vật Sáu Dền), hoặc bộc lộ sự thông cảm, xót thương (nhân vật lão Quế). Suy cho cùng, chính bản chất tàn độc, vô nhân đạo của chính quyền Sài Gòn, quân xâm lược Mỹ, cùng sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến con người rơi vào tình trạng như thế.

            3.4. Phương thức nghệ thuật mang đậm dấu ấn phân tâm học

            Khai thác yếu tố phân tâm học trong tác phẩm văn học, không thể không soi xét từ góc độ những tín hiệu nghệ thuật. Bởi lẽ, thông qua phương diện nghệ thuật, nhà văn thể hiện được đời sống vô thức, những khát khao, ẩn ức, ham muống, sự xung đột của cái Tôi bản thể, xây dựng những biểu tượng có giá trị văn hoá hoá. Nghệ thuật biểu hiện là một trong những khía cạnh quan trọng cấu thành nên tác phẩm văn học, là tiêu chí để khẳng định sự tài hoa của ngòi bút, sự sáng tạo của người nghệ sĩ cũng như khả năng sử dụng những kỹ thuật viết lách mới mẻ, hiện đại. Tìm hiểu phương thức nghệ thuật mang đậm dấu ấn phân tâm học trong truyện ngắn yêu nước của các nhà văn gốc Huế, chúng tôi nhận diện và luận giải những tín hiệu nghệ thuật như sau: (1) những biểu tượng, (2) trần thuật theo phương thức chủ quan, (3) ngôn từ nghệ thuật.

            Đọc truyện ngắn yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975, có thể nhận ra sự xuất hiện của nhiều biểu tượng có giá trị. Biểu tượng, theo Trần Thiện Khanh (2014), “là sự thay thế của cái biểu đạt này bằng cái biểu đạt khác; ở đó, cái được biểu đạt luôn vắng mặt, cái biểu đạt xuất hiện như là cái ký hiệu ám chỉ” [5, tr.66]. Biểu tượng đóng vai trò là cái biểu đạt được khoác một lớp vỏ ngôn ngữ nghệ thuật, ẩn chứa trong nó tầng tầng lớp lớp ý nghĩa. Chúng tôi bắt gặp trong sáng tác của các nhà văn gốc Huế nhiều biểu tượng có giá trị, như những “ký hiệu ám chỉ” trong văn học yêu nước giai đoạn 1954 - 1975. Nhưng nổi bật hơn hẳn, có thể kể đến biểu tượng con đường. Con đường của nhân vật Ký (Le lói, Lê Quang Vịnh) “dài ra vô tận, tưởng như không bao giờ đi đến đích” [6, tr.42]. Con đường mà bác T. (Tự do hay là chết, Tiêu Dao Bảo Cự) bị áp giải sang toà án quân sự cũng là con đường mà bác lựa chọn để kết thúc cuộc đời oan trái, đau thương. Con đường nhân vật “tôi” (Đá trăm năm, Trần Hữu Lục) đi về sau khi quyết định cự tuyệt gã đàn ông tay sai của chính quyền Sài Gòn, thay vì tiếp cận, thậm chí là đánh đổi bằng những nhục cảm để nhận lại sự giúp đỡ, cũng là con đường đúng đắn nhất. Bởi cô nhận ra “thà chọn một đau khổ vừa tầm còn hơn mê muội vì những lầm than dai dẳng” [6t, tr.154]. Con đường mà nhân vật “tôi” và Bình (Con thú tật nguyền, Nguỵ Ngữ) hay người lính (Về miền xuôi, Huỳnh Ngọc Sơn) đang đi sau những tháng năm “bán linh hồn cho quỷ dữ” là con đường lương thiện, nhân văn... Biểu tượng con đường trong truyện ngắn yêu nước không đơn thuần chỉ là đường đi, lối về; mà là con đường đấu tranh, hoặc con đường “tìm về dân tộc” (chữ dùng của Lý Chánh Trung). Trên con đường đó, dù tối tăm hay sáng sủa, dù đi được bao xa, thì nhân vật cũng đã “vỡ lẽ” ít nhiều và đúc rút thành những bài học cần thiết cho quãng đời sắp tới. Bên cạnh con đường, trong truyện ngắn yêu nước của các nhà văn gốc Huế còn nhiều biểu tượng có giá trị khác như: dòng sông, cánh đồng, nhà tù, lá cờ... là điểm giao thoa với văn học vùng giải phóng.

            Về phương diện trần thuật theo phương thức chủ quan, trong bài viết Phương thức trần thuật chủ quan trong truyện ngắn yêu nước ở đô thị miền Nam 1965 - 1975, tác giả Bùi Thanh Thảo (2016) nhận định: “Trần thuật từ ngôi thứ nhất xưng tôi là kiểu điển hình của phương thức trần thuật chủ quan. Đó là kiểu trần thuật mà người kể (xưng “tôi”) cũng là một nhân vật trong truyện - nhiều khi cũng là nhân vật chính - và “tôi” kể chuyện của mình hoặc chuyện của người khác mà “tôi” chứng kiến” [4, tr.63]. Trong mối tương quan với lý thuyết phân tâm học, việc xưng “tôi” (trần thuật chủ quan) là một điều kiện thuận lợi để nhà văn có thể khám phá chiều sâu tâm hồn của nhân vật trong truyện ngắn yêu nước, bộc lộ chân thật những tình cảm, cảm xúc, cả những khát khao, ẩn ức, dồn nén... Ở phạm vi nghiên cứu là truyện ngắn yêu nước của các nhà văn gốc Huế, chúng tôi nhận ra, có khá nhiều truyện ngắn (phần lớn của các tác giả trẻ) vận dụng phương thức trần thuật chủ quan, chẳng hạn như: Đá trăm năm (Trần Hữu Lục); Con thú tật nguyền (Nguỵ Ngữ); Sáu Dền, Thư học trò, Nắng đẹp sân trường (Trần Duy Phiên)... Có khi, “tôi” chính là hình ảnh phóng chiếu của chính nhà văn; có khi, “tôi” - người kể chuyện là người chiến sĩ cách mạng; và cũng có khi, “tôi” là lời tự thuật của người lính quân đội Sài Gòn (mà nhà văn đặt mình vào đó để kể chuyện, giãi bày thân phận, những khát vọng, ước mơ) (trường hợp Con thú tật nguyền của Nguỵ Ngữ). Ngoài ra, trong truyện ngắn yêu nước còn có kiểu trần thuật từ ngôi thứ ba (từ điểm nhìn của một hoặc nhiều nhân vật), người kể không xâm nhập, can thiệp vào câu chuyện mà sử dụng giọng kể trung tính, khách quan. Một số truyện ngắn trần thuật từ ngôi thứ ba như: Viết để bảo vệ thằng Cu Tý, Cũng cứ viết để bảo vệ những thằng Cu Tý (Võ Đình Cường); Bông cúc vàng (Trần Quang Long); Tự do hay là chết (Tiêu Dao Bảo Cự); Ngủ ấp (Trần Hữu Lục); Đứa con của loài bò sát, Về miền xuôi, Thằng thuốc lá, Giấc mơ êm đềm, Nước vỗ chân cầu (Huỳnh Ngọc Sơn)... Mặc dù ở điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện khó đi vào từng ngõ ngách tâm hồn của nhân vật để tái hiện một cách chân thực, sống động những suy tư, trăn trở, khao khát, ẩn ức... nhưng không phải vì thế mà không thể xây dựng một thế giới nội tâm. Mặt thuận lợi của việc trần thuật từ ngôi thứ ba là nhà văn có thể linh hoạt trong việc thay đổi điểm nhìn của người kể chuyện; từ đó, có thể ghi lại dòng cảm xúc, suy tư, băn khoăn... của nhiều nhân vật trong tác phẩm (trường hợp Tự do hay là chết của Tiêu Dao Bảo Cự, Về miền xuôi của Huỳnh Ngọc Sơn, Bông cúc vàng của Trần Quang Long...).

            Ngôn từ nghệ thuật mang đậm dấu ấn phân tâm học cũng là đặc trưng quan trọng làm nên giá trị của truyện ngắn yêu nước. Đó là lớp ngôn từ gợi những ám ảnh chiến tranh. Tội ác của quân xâm lược Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã làm dấy lên mối thù sâu đậm trong lòng những chiến sĩ cách mạng và nhân dân. Ở nhiều trang viết, ta bắt gặp tội ác man rợ mà kẻ thù đã gây ra cho dân tộc mình, những chấn thương về thân xác lẫn tinh thần. Sống trong tình cảnh đất nước bị chia cắt, chính quyền Việt Nam Cộng hoà ra sức “bắt lính” và đế quốc Mỹ không ngừng bóc lột, sát hại đồng bào, những nhà văn gốc Huế không khỏi đau đớn, xót xa và ám ảnh trầm trọng. Điều đó được họ gửi cả vào nhân vật. Nỗi ám ảnh của nhân vật cũng chính là nỗi ám ảnh của nhà văn, của dân tộc những ngày chiến tranh khói lửa. Tái hiện hình ảnh người tù bị hành hung bởi roi đòn của quân đội Sài Gòn, Tiêu Dao Bảo Cự miêu tả trần trụi bằng lớp ngôn từ chắt lọc từ sự thật lịch sử: “đâm kim vào móng tay”, “những đường hằn thâm tím chằng chịt”, “chân tay rũ liệt”, “móc con ngươi lòi hẳn ra ngoài”, “một đường đau đớn kinh khiếp chạy từ đầu dương vật đâm thẳng vào tim”... (Tự do hay là chết). Con thú tật nguyền của Nguỵ Ngữ là những “thước phim” bằng ngôn từ chuyển động thực chậm, được nhà văn miêu tả tỉ mỉ, đặc biệt là cái chết “không toàn thây” của nhân vật Bình mà khi chuyển thể thành phim cùng tên (công bố năm 1986, đạo diễn Hồ Quang Minh), cảnh tượng đó chưa thật sự ám ảnh: “cánh tay lẻ loi nằm trên miệng hố đất”, “từng mảng da tróc bày sọ trắng”, “chút cuống họng dính vào phía dưới”... Cảnh nhân vật Sáu Dền ăn thịt người trong truyện ngắn của Trần Duy Phiên - một kẻ không còn là con người sau quãng thời gian phục vụ cho quân đội Mỹ - cũng thật khủng khiếp. Những hình ảnh: “tim người nấu cháo”, “gan người luộc chấm muối tiêu”, “mật người phơi khô”, “xâu tai người”, “bứt tim và gan”... đã biến nhân vật trung tâm trong truyện trở thành một con thú tàn độc. Trong một số truyện ngắn yêu nước khác (cũng là của những nhà văn gốc Huế) như Bông cúc vàng (Trần Quang Long), Viết để bảo vệ thằng Cu Tý (Võ Đình Cường), Le lói (Lê Quang Vịnh), Ngủ ấp (Trần Hữu Lục), Về miền xuôi (Huỳnh Ngọc Sơn)... ngôn từ có phần nhẹ nhàng hơn, song vẫn đủ “lực” để tạo cảm giác ám ảnh cho độc giả về không khí ngột ngạt ở các thành thị miền Nam những năm 1954 - 1975, đặc biệt là khung cảnh nhà tù, phòng thẩm vấn, các làng mạc thưa người, tiêu điều, heo hút... Giá trị phản ánh và vạch trần tội ác của kẻ thù xâm lược cùng chính quyền Sài Gòn toát ra từ đây.

            Tựu trung, theo phát hiện của chúng tôi, dấu ấn phân tâm học - nhìn từ phương diện hình thức nghệ thuật - trong truyện ngắn yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975 (của các nhà văn gốc Huế) nằm các biểu tượng, phương thức trần thuật và ngôn từ. Ngoài ba yếu tố trên, chắc hẳn còn có nhiều khía cạnh khác nữa mà chúng tôi không thể kiến giải trọn vẹn trong khuôn khổ của bài viết. Mặc dù, cũng theo nghiên cứu của Bùi Thanh Thảo (2016), “có quan niệm cho rằng truyện ngắn đô thị nặng về tính tuyên truyền, cổ động, do đó hạn chế về chất lượng nghệ thuật” [4, tr.62] (tác giả này phủ nhận và minh chứng để chỉ ra tính phiến diện của “quan niệm” trên); song việc quan tâm lựa chọn ngôn từ phù hợp, cân nhắc lựa chọn điểm nhìn trần thuật, xây dựng đời sống nội tâm nhân vật, kiến tạo biểu tượng... cho thấy hình thức nghệ thuật là điểm đặc sắc của truyện ngắn yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975.

  1. KẾT LUẬN

            Ứng dụng học thuyết phân tâm học để nghiên cứu truyện ngắn yêu nước 1954 - 1975 của các nhà văn sinh ra và trưởng thành trên quê hương Huế, tranh đấu sôi nổi, nhiệt huyết, giúp người nghiên cứu nhận ra được thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của con người, những dục vọng, ham muốn, những mặc cảm, ẩn ức, tâm thức... của họ. Tất nhiên chỉ một số lượng nhất định chứ không phải tất cả truyện ngắn yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975, dấu ấn phân tâm học hiện hữu khá rõ ràng. Lý thuyết phân tâm học đóng vai trò là “nguồn sáng soi đường” để chúng tôi tiếp cận, thâm nhập vào đời sống vô thức của nhân vật. Chẳng những thế, yếu tố phân tâm học còn thể hiện thông qua phương diện hình thức nghệ thuật, cho thấy sự nỗ lực của người cầm bút trong việc quan tâm đến phương thức thể hiện thay vì chỉ chú trọng đến nội dung hoặc xem việc cổ vũ chiến đấu là mục đích duy nhất. Gần nửa thế kỷ trôi qua, tính từ ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, bóng dáng của quân xâm lược Mỹ không còn hiện diện trên đất nước ta, sức sống của văn học yêu nước ở thành thị miền Nam 1954 - 1975 vẫn rất mãnh liệt, âm thầm lan toả trong đời sống văn chương. Những sáng tác này giúp độc giả hôm nay nhìn lại một thời kỳ chinh chiến khốc liệt, đau thương nhưng vô cùng vẻ vang đã qua. Đồng thời cho chúng ta thấy, trong những ngày quân thù tàn phá, giày xéo mảnh đất quê hương, văn chương đã làm tròn sứ mệnh cổ vũ cuộc chiến đấu chống xâm lăng, kêu gọi tìm về cội nguồn dân tộc, lưu giữ lại dấu ấn của cuộc chiến tranh năm xưa. Văn học yêu nước ở thành thị miền Nam là một trong những nét vẽ độc đáo làm nên bức tranh sinh động mang tên văn học Việt Nam hiện đại. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Anthony Stevens (2020), Dẫn luận về Jung (Thái An dịch), NXB Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Bill Ashcoft, Gareth Griffiths and Helen Tiffin (1999), Key concepts in post - colonial studies, Routhledge, London & New York.
  3. Bùi Thanh Thảo (2015), “Tâm thức lưu đày trong truyện ngắn yêu nước 1965 - 1975”, Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, số 39, 57-63.
  4. Bùi Thanh Thảo (2016), “Phương thức trần thuật chủ quan trong truyện ngắn yêu nước ở đô thị miền Nam 1965 - 1975”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 44, 62-68.
  5. Hồ Thế Hà - Nguyễn Thành (2014), Phân tâm học với văn học, NXB Đại học Huế, Huế.
  6. Nhiều tác giả (2005), Viết trên đường tranh đấu, NXB Thuận Hoá, Huế.
  7. Nguyễn Thị Thu Trang (2015), Văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 nhìn từ các giá trị văn hoá truyền thống, NXB Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Nguyễn Văn Lũy và cs (2009), Tự điển tâm lý, NXB Việt Nam, Hà Nội.
  9. Phạm Thanh Hùng (2012), Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1965, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  10. Raman Selden, Peter Widdowson, Peter Brooker (2005), A Reader’s Guide to Comtemporary Literary Theory - Fifth Edition, United Kingdom, London.
  11. Sigmund Freud (2002), Phân tâm học nhập môn (Nguyễn Xuân Hiến dịch), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  12. Trần Hữu Tá (1994), “Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong các thành thị miền Nam 1954 - 1975 (đặc điểm và thành tựu)”, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.
  13. Võ Phiến (2000), Văn học miền Nam - tổng quan, Văn nghệ Xuất bản, California, Hoa Kỳ.

 

 

[1] ThS., Trường Đại học Cần Thơ, email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.