THƠ VIẾT VỀ ĐỀ TÀI NGƯỜI LÍNH BIỂN TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY QUA GÓC NHÌN KÝ HIỆU HỌC VĂN HOÁ
TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ)
ThS. Phạm Khánh Duy (Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Cần Thơ)
(Tham luận được ThS. Phạm Khánh Duy báo cáo tại Hội thảo vào ngafty 04/10/2024, in trong Kỷ yếu Hội thảo)
Trong cảm thức của người Việt, biển đảo là phần máu thịt không thể tách rời của đất nước. Từ xưa đến nay, mỗi khi lãnh hải bị xâm phạm, dân tộc ta lại vùng lên đấu tranh bảo vệ và quyết tâm khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Lịch sử hải phận Việt Nam được viết bằng những cuộc đấu tranh đẫm máu và nước mắt, đau thương và hào hùng trong suốt dặm dài hình thành và xây dựng đất nước. Ngày nay, trước bối cảnh hoà bình, tập trung phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, vùng lãnh hải Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của các thế lực bên ngoài Tổ quốc. Trong bất kỳ thời điểm nào, biển đảo vẫn luôn là vấn đề nóng rát, được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Đóng vai trò là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống, văn chương đã làm tròn sứ mệnh của mình đối với lịch sử, ghi lại chân thật, xúc động công cuộc đấu tranh bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam. Như mạch nước ngầm trong mát, dòng văn chương về biển đảo Tổ quốc vẫn âm ỉ chảy trong lòng văn học dân tộc từ quá khứ đến hiện tại, và chắc chắn rằng sẽ còn nối dài ở tương lai. Trong đó, thơ ca tạc dựng hình tượng người lính biển đã có những đóng góp xuất sắc cho văn chương về biển đảo, “lát cắt” quan trọng của văn học Việt Nam. Từ góc nhìn ký hiệu học văn hoá (cultural semiotics), bài viết góp phần phát lộ những đơn vị ký hiệu được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống, có dụng ý trong thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay.
Ký hiệu học - một cách kiến tạo văn bản
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ngành khoa học về các ký hiệu đã ra đời ở phương Tây, do nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure (Thuỵ Sỹ) và nhà triết học Charles Sander Pierce (Hoa Kỳ) sáng lập. Trong quá trình phát triển, ký hiệu học có tham vọng bành trướng các lĩnh vực khác như tự nhiên, xã hội, con người, trong đó ngôn ngữ - chất liệu của sáng tác văn chương.
Trong công trình Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, Trịnh Bá Đĩnh (2011) kế thừa quan điểm về ký hiệu (signe) của các nhà phê bình theo cấu trúc luận phương Tây (F. de Saussure, R. Barthes), xác định “ký hiệu là một thực thể toàn vẹn, kết quả của sự phối hợp giữa cái biểu đạt (hình ảnh âm thanh) và cái được biểu đạt (khái niệm)” [Trịnh Bá Đĩnh, 80]. Về tính chất của ký hiệu, nhà nghiên cứu này cũng khẳng định: ký hiệu mang tính võ đoán. Năm 2019, Lã Nguyên (La Khắc Hoà) công bố một trong những công trình lý thuyết hiếm hoi về ký hiệu học ở Việt Nam: Phê bình ký hiệu học - Đọc như là hành trình tái thiết ngôn ngữ. Trong đó, Lã Nguyên cho rằng: “Các tín hiệu đặc biệt được con người lựa chọn để giao tiếp với nhau, ví như lời nói, đồ vật, hoặc các sinh thể, đều có thể trở thành ký hiệu”; “Đồ vật, tín hiệu nhân tạo (ví như các chữ cái) hoặc các sinh thể chỉ trở thành ký hiệu khi chúng tham gia vào một loại quan hệ đặc biệt - quan hệ ký hiệu học” [Lã Nguyên, 6-7]. Mối quan hệ ký hiệu học được Lã Nguyên phân ra thành ba bình diện, bao gồm tên gọi (cái biểu đạt) - cái được quy ước, mang tính ước lệ, thể hiện mối quan hệ giữa tín hiệu với ngôn ngữ; nghĩa (cái được biểu đạt) - cái thể hiện quan hệ giữa ký hiệu với một thực tại nào đó; ý nghĩa - sự hoạt động của ký hiệu (ký hiệu này tương tác với ký hiệu khác, ký hiệu tương tác với ý thức nhận biết của các chủ thể giao tiếp).
Ký hiệu học văn hoá là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của trường phái ký hiệu học Tartu - Moskva. Đây là trường phái khoa học nhân văn phát triển ở Liên Xô những năm 1960 - 1980 do Iu. Lotman sáng lập trên nền tảng của lý thuyết ký hiệu học sơ khai. Trong công trình Cultural semiotics (Ký hiệu học văn hoá), Iu. Lotman (2015) cho rằng: “Không một cơ chế ký hiệu học nào có thể hoạt động như một hệ thống biệt lập, trong môi trường chân không. Điều kiện hoạt động chủ yếu của nó là đầm mình vào ký hiệu quyển - vào không gian ký hiệu học” [Iu, 89]. Có nghĩa là, các ký hiệu học và văn hoá kết nối với nhau, tạo thành các ký hiệu văn hoá, chúng lặp đi lặp lại, góp phần hình thành nên những tầng nghĩa trong tác phẩm nghệ thuật. Để làm rõ mối quan hệ này, Iu. Lotman (2019) tiếp tục khẳng định: “ký hiệu học và văn hoá có mối liên hệ gắn bó với nhau chặt chẽ tới mức, hoá ra, vấn đề không phải là ở chỗ những khái niệm ấy có thể liên kết với nhau thế nào, mà là ở chỗ, nói chung, liệu có thể chia tách chúng được không” [Lã Nguyên, 385]. Trong khi, văn hoá được tạo thành từ sự kết nối mật thiết giữa các ký hiệu. Nghiên cứu ký hiệu học văn hoá trong văn bản nghệ thuật là phát hiện sự lặp lại của những ký hiệu trong tác phẩm, giải mã những tầng nghĩa của ký hiệu trong môi trường văn hoá đặc thù.
Liên ký hiệu trong thơ viết về đề tài người lính biển
Trong văn bản văn học, các ký hiệu không tồn tại biệt lập mà có sự kết nối giữa ký hiệu này với ký hiệu khác, tạo thành một hệ thống, gọi là liên ký hiệu. Nói như Lê Huy Bắc (2018): “Nói liên ký hiệu thực chất là nói đến khả năng tạo nghĩa của ký hiệu trên cơ sở các quan hệ tương tác” [Bắc, 137]. Các ký hiệu có tính lặp lại trong cùng một văn bản nghệ thuật, trong các văn bản văn học khác nhau của cùng một tác giả, hoặc không cùng tác giả nhưng cùng một đề tài, một giai đoạn, một khuynh hướng sáng tác. Đọc thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay, chúng tôi bắt gặp sự kết nối chặt chẽ giữa các ký hiệu với nhau, tạo thành hệ thống ký hiệu. Đây chính là đặc điểm nhận diện của thơ viết về đề tài người lính biển nói riêng, văn học biển đảo nói chung.
Tiếp nối thành tựu của trường phái hình thức Nga, J. Mukarovsky - gương mặt tiêu biểu của trường phái cấu trúc Praha - đề cao tính ký hiệu trong văn bản, có những phát kiến mới về ký hiệu thẩm mỹ. J. Mukarovsky (2013) cho rằng: “đặc trưng của ký hiệu thẩm mỹ là không nói đến sự việc nào đó của thế giới, mà là khắc hoạ các sự việc; với kết cấu song hành, tương ứng, nó gợi ra cái ấn tượng không liên quan cụ thể đến điều gì cả nhưng buộc người đọc phải liên hệ đến” [Trương Đăng Dung, 55]. Vận dụng quan điểm này của J. Mukarovsky, kết hợp với lý thuyết liên ký hiệu trong văn bản của Iu. Lotman, có thể thấy, những ký hiệu được tác giả kiến tạo trong thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay đã vượt khỏi biên giới của một tác phẩm trữ tình, có sức gợi liên tưởng đến những hình ảnh ngoài đời thật, những sự kiện lịch sử trong công cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hơn thế nữa, một ký hiệu không thể tự nó “khắc hoạ các sự việc”, mà cần đến sự gắn kết, tính lặp lại các ký hiệu trong thơ. Biển, đảo, sóng, cát, cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp... là hệ thống ký hiệu có tính lặp lại trong thơ về đề tài người lính biển, những nhân tố hình thành mã không gian (space code), mở ra trước mắt người đọc khung cảnh biển trời bao la, sóng to gió lớn, là hoàn cảnh khắc nghiệt thử thách người chiến sĩ. Ngay từ nhan đề bài thơ, các tác giả đã “phát tín hiệu” bằng những ký hiệu trên để kích thích trí tưởng tượng của người đọc, đưa người đọc đắm mình trong không gian của biển đảo Tổ quốc. Các ký hiệu xuất hiện với tần suất dày đặc trong nhan đề thơ của Trần Đăng Khoa: Cây bão táp ở đảo Nam Yết, Đồng đội tôi ở đảo Thuyền Chài, Hát về hòn đảo chìm, Cô tổng đài hải đảo, Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn; Nguyễn Việt Chiến: Tổ quốc bên bờ biển cả, Tổ quốc nhìn từ biển; Nguyễn Khoa Điềm: Biển trước mặt - Biển, Tháng tư, Trường Sa; Đặng Huy Giang: Lời người lính ở đảo Sơn Ca, Một Trường Sa, mọi Trường Sa; Lê Thị Mây: Trái bàng vuông ở đảo Trường Sa, Nhịp tim kê chân đảo; Lê Ngân Vịnh: Bên góc sóng... Trong khuôn khổ của văn bản nghệ thuật, đặc biệt là văn bản thơ, tác giả không thể (mà thực chất là không cần thiết) nói ra tất thảy những thông điệp, quan điểm, bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình. Tất cả được nén chặt trong những ký hiệu. Vậy, ký hiệu chẳng những mở ra mã không gian để người đọc lần theo giải mã tác phẩm, mà còn nói hộ tiếng lòng người nghệ sĩ. Những ký hiệu thẩm mỹ biển, đảo, sóng, cát, cây bàng vuông... hay tên gọi Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết, Thuyền Chài... thiêng liêng trong tâm thức dân tộc đã hé mở không gian thơ, chắp cánh cho tình yêu, niềm tự hào về chủ quyền biển đảo, những trăn trở, thổn thức, đau đớn, xót xa của người cầm bút trước tình hình căng thẳng của biển đảo quê hương.
Như đã nói, trong văn bản văn học, ký hiệu không tồn tại độc lập mà có tính đa dạng, tính hệ thống và tính kết nối để biểu đạt ý nghĩa, thông điệp mà người viết muốn chuyển tải. Nói cách khác, văn chương là “cuộc hội ngộ” của các ký hiệu. Theo Lã Nguyên (2019), hệ thống ký hiệu là “ngôn ngữ thế giới quan”, là “cấu trúc biểu nghĩa của một cộng đồng ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi để kiến tạo bức tranh thế giới” [Lã Nguyên, 199]. Trong khuôn khổ của một bài thơ cụ thể viết về đề tài người lính biển thường có hơn một ký hiệu (tồn tại bằng “ngôn ngữ thế quan”). Bên dưới lớp vỏ của ngôn ngữ (ký hiệu) là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa. Các ký hiệu này lặp lại một cách có hệ thống và có dụng ý trong thơ về đề tài người lính biển của cùng tác giả hoặc khác tác giả. Trong đó, biển, đảo, sóng, gió, cát... là những ký hiệu phổ biến, dường như có mặt trong hầu hết các bài thơ viết về biển đảo, chẳng hạn: “Biển dẫu yên mà lòng ta lại động/ Lắng tin xa những cơn bão chập chờn” (Thao thức Trường Sa, Nguyễn Thế Kỷ); “Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa/ Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển” (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Nguyễn Việt Chiến), “Sóng lớp lớp mây bay/ Người lớp lớp bồng súng canh biển/ Gió từ nhà giàn” (Gió nhà giàn, Nguyễn Quang Hưng), “Cuối cùng/ còn biển/ còn trời/ gần gũi là sóng/ xa vời là mây” (Một Trường Sa, mọi Trường Sa, Đặng Huy Giang), “Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá” (Tổ quốc gọi tên, Nguyễn Phan Quế Mai)... Với những ký hiệu này, các tác giả đã mở ra trước mắt người đọc khung cảnh của biển đảo vừa mênh mông, kỳ vĩ, vừa khắc nghiệt, nguy hiểm, thử thách người lính. Một vài trường hợp, sóng, gió, bão, giông đã vượt ra khỏi lớp nghĩa hiện tượng tự nhiên để hàm chỉ tình hình căng thẳng, gay cấn đang diễn ra trên biển. Chẳng hạn như “Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu/ Sóng quặn đỏ máu những người đã mất/ Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc” (Tổ quốc gọi tên) trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai hay “Thương Cồn Cỏ gối đầu trên sóng dữ/ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u” (Tổ quốc nhìn từ biển) của Nguyễn Việt Chiến. Khẳng định điều này bởi trong tư duy của người Việt, sóng, gió, bão, giông thường tượng trưng cho những biến động trong cuộc đời, biến động của đất nước. Có thể thấy, tính chất kết hợp của các ký hiệu lại với nhau và sự tồn tại của chúng trong ngữ cảnh xác định giúp cho người đọc tránh được hiện tượng “đọc sai” văn bản thơ, từ đó hiểu được nội hàm tác phẩm, nhận ra tình cảm, cảm xúc của người cầm bút.
Từ lâu, cây bàng vuông, phong ba, bão táp, san hô, ốc kim khôi, chim hải âu... trở thành linh hồn của Hoàng Sa, Trường Sa và những hòn đảo khác ngày đêm sừng sững trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng đi vào thơ ca với tư cách các ký hiệu, góp phần đưa không khí, hồn cốt của đảo xa đến gần với người đọc hơn. Cây phong ba với dáng đứng ngang tàng, mãnh liệt trong chính môi trường khắc nghiệt, đầy thách thức trong thơ Nguyễn Thế Kỷ: “Trường Sa nắng nỏ, bão giông/ Cây phong ba với thành đồng lòng ta” (Trường Sa), Trần Đăng Khoa: “Thân cây sao mà mềm mại/ Lá cây sao vẫn mượt mà/ Mỗi năm hàng trăm cơn bão/ Trên mình cây đã đi qua” (Cây phong ba đảo Nam Yết), Lê Huy Mậu: “Cây là cây phong ba, cây bão táp/ Người chỉ là người bằng thịt bằng da” (Nắng nóng Trường Sa), cây bàng vuông vượt qua sự cỗi cằn, vươn lên phủ xanh đảo đá trong thơ Lê Thị Kim: “Trái bàng vuông ơi trái bàng xanh/ Khắp các đảo mọc như hàng lính/ Sóng điểm danh nao nức lá cành” (Trái bàng vuông ở đảo Trường Sa)... Cánh chim hải âu - một ký hiệu thẩm mỹ gắn với khát vọng hoà bình, ước mơ về những điều tốt đẹp trong thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Viên đá trời rơi xuống biển xanh/ bay lên/ hải âu loáng nắng” (Hải âu), Lê Thị Kim: “Những loài chim biển hải âu/ Tưởng người là loại chim đâu mới về” (Gần lắm Trường Sa), Lữ Mai: “bọn anh vẫn nằm nghe sóng vỗ/ mắt hải âu tao tác buổi động trời” (Ngang qua bình minh)... Vỏ sò, vỏ ốc - những sự vật tưởng chừng bé nhỏ, dễ lãng quên lại trở thành ký hiệu gợi nhớ gợi thương trong thơ viết về đề tài người lính biển. Vỏ sò, vỏ ốc mang linh hồn của biển cả vào thơ Nguyễn Đình Xuân: “Sóng biển cuộn trăng táp bờ/ Lăn tăn vỏ sò, vỏ ốc” (Trăng ở Trường Sa), ốc kim khôi trở thành kỷ vật minh chứng cho tình yêu của người lính nhà giàn trong thơ Lữ Mai: “còn em biết đây loài ốc gì không/ ốc kim khôi đấy/ anh sẽ kể em nghe chuyện ngày xưa cha mẹ/ ẩn dụ kim khôi gió xối ngang trời” (Ngang qua bình minh)... Mặc dù được lặp đi lặp lại trong thơ của nhiều tác giả, song ở mỗi bài thơ, ký hiệu này lại chứa đựng tình cảm riêng, được thể hiện bằng phong cách riêng của mỗi nhà thơ. Những ký hiệu trên tự nó thuộc về văn chương biển đảo, có tính nhận diện cao.
Mã văn học, văn hoá, lịch sử trong thơ viết về đề tài người lính biển
Ký hiệu học không chỉ tồn tại ở dạng ngôn ngữ (theo cách gọi của Lã Nguyên, đó là loại ngôn ngữ của thế giới quan), mà còn tồn tại ở dạng mã (code), trong đó có mã văn học, văn hoá. Theo lý giải của Trịnh Bá Đĩnh (2011), mã (code) là “tổng hợp những quy tắc đảm bảo cho sự vận hành của hoạt động nói năng của ngôn ngữ tự nhiên hay một hệ thống ký hiệu nào đó”, “nó có tính thoả ước” [Trịnh Bá Đĩnh, 81]. “Tính thoả ước” chính là sự đồng thuận của số đông về lớp nghĩa biểu thị của một mã nào đó, trong một phạm vi nhất định. Trong nghiên cứu liên ký hiệu (trường hợp Hồ Anh Thái), Lê Thị Hường (2021) đã viết: “Bằng liên ký hiệu, qua hệ thống huyền thoại, biểu tượng, các motif... lặp lại theo dụng ý nghệ thuật, tác giả đã tạo các mã văn học, văn hoá. Tiếng nói bên trong của văn bản nằm ở sự tương hỗ, va đập giữa huyền thoại, cổ mẫu, biểu tượng” [Lê Thị Hường, 174]. Theo tác giả này, huyền thoại, biểu tượng, motif cũng là những ký hiệu, tồn tại dưới dạng các mã văn học, văn hoá, lịch sử.
Mã huyền thoại lập quốc
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có một hoặc một vài huyền thoại nhằm kiến giải về sự hình thành của đất nước, tổ tiên của cộng đồng dân tộc theo tư duy của người xưa. Trong tiến trình phát triển của con người, tư duy khoa học dần lên ngôi, huyền thoại được “giải thiêng”, song không bị đào thải mà vẫn luôn là niềm tự hào của dân tộc. Dưới ánh sáng của lý thuyết ký hiệu học văn hoá, huyền thoại lập quốc trong thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay đóng vai trò là những mã văn học, văn hoá. Không quá bất ngờ khi mà thơ viết về biển đảo Tổ quốc lại nhiều lần nhắc đến huyền thoại lập quốc. Bởi khi đề cập đến huyền thoại lập quốc là nhớ đến buổi đầu dựng nước, từ đó các tác giả ngầm khẳng định bề dày lịch sử, chiều sâu văn hoá dân tộc. Niềm tự hào xen lẫn với ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước, cụ thể là chủ quyền biển đảo trong hoàn cảnh đầy thử thách.
Trong tâm thức của người Việt, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là tổ tiên, bởi họ là những người đầu tiên có mặt trên đất nước ta (gắn với câu chuyện về cái bọc trăm trứng) để sinh thành ra cộng đồng, dân tộc. Theo thời gian, huyền thoại này vẫn còn giữ nguyên giá trị, vô số lần sống lại trong các tác phẩm văn học, đáng nói đến là văn học hiện đại. Nhìn thơ viết về người lính biển một cách có hệ thống, chúng tôi phát hiện, rất nhiều lần huyền thoại về Lạc Long Quân và Âu Cơ xuất hiện với tư cách là mã - một dạng của ký hiệu. Nhìn Tổ quốc bên bờ sóng từ phía biển, đảo - tiền tiêu quân sự của đất nước, Nguyễn Việt Chiến đã nhìn thấu suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, kết nối giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại. Trong dòng chảy của lịch sử, huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ chiếm giữ vị trí quan trọng trong tâm thức dân tộc và trong tư duy thơ của Nguyễn Việt Chiến: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt của Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa” (Tổ quốc nhìn từ biển). Nói riêng bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), huyền thoại này được lặp lại ba lần, gắn với hai dấu mốc quan trọng của đất nước: thời kỳ hình thành (“Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”), giai đoạn biển Đông “chập chờn bóng giặc” (“Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng”; “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo/ Lạc Long Cha nay chưa thấy trở về”). Trong những giai đoạn đó, Trường Sa, Hoàng Sa và phần biển đảo máu thịt của đất nước vẫn luôn có mặt trong ý niệm của mỗi người về đất nước.
Không dừng lại ở thơ Nguyễn Việt Chiến, mã huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ có mặt trong thơ của nhiều tác giả khác khi viết về biển đảo. Mẹ Âu Cơ - một biểu tượng trong văn hoá người Việt đã trở thành sinh thể sống động trên trang viết, có tâm trạng, cảm xúc, có phẩm chất và tình yêu vô bờ hướng về đảo xa và người lính đảo ôm súng canh giữ phần lãnh hải của đất nước. Giữa Trường Sa mùa “biển động”, mẹ Âu Cơ trong bài thơ Tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa của N.H. trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc của con người: “Quả chuông đồng trên đảo Trường Sa Lớn/ Gióng lên mùa biển động/ Mẹ Âu Cơ dõi mắt trông chờ/ Mong bình yên Tổ quốc”. Trong bài thơ Lời ru mẹ Âu Cơ gửi đảo, Nguyễn Thế Kiên đã ẩn mình để cho chủ thể trữ tình là mẹ Âu Cơ bộc lộ niềm xót xa trước tình hình biển Đông căng thẳng, sôi sục, đồng thời thể hiện khát vọng, quyết tâm giữ vững chủ quyền đất nước, một tấc đất, một tấc biển cũng không ai có thể cắt rời: “Sóng ngầm vạn kiếp chưa thôi/ Mẹ ru đá ngủ trong lời nước non/ À ơi mấy cuộc vuông tròn/ Máu cha còn gửi cội nguồn đất đai”. Cổ tích và biển đảo - bài thơ nhuốm màu sắc huyền thoại của Tạ Văn Sỹ đã khẳng định từ ngàn xưa, ông cha ta đã ý thức rất cao trong việc giữ gìn biển đảo quê hương: “Biển đảo quê mình có tự thuở hồng hoang/ Khi mẹ Âu Cơ tiễn bố Lạc Long Quân về lại biển/ Mỗi bước cha đi một lòng tâm nguyện/ Đưa đàn con vượt sóng dữ trùng dương”. Năm 2013, 2014 là giai đoạn không thể nào quên trong lịch sử biển đảo Tổ quốc, bởi hành động ngang ngược của “thế lực bên ngoài Tổ quốc” trên vùng biển Việt Nam. Hoà trong không khí của cả nước, Hạnh Vân đã viết bài thơ Nói với mẹ Âu Cơ bằng giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, thiết tha, trìu mến để giãi bày những ẩn ức trước hoàn cảnh đầy biến động của vùng biển Tổ quốc: “Tạm biệt mẹ con trở về với biển/ Thủ thỉ cha nghe rừng sắp cạn rồi/ Tiếng sóng vỗ như lòng cha thao thức/ Thương mẹ hao mòn ở phía xa xôi/ Cởi lo toan con hoà vào biển mặn/ Cha ru con bằng nhịp sóng dập dềnh/ Chỉ mẹ hiểu lòng cha đang quặn thắt/ Tàu lạ rập rình, ngọn sóng cũng lênh đênh”. Có vẻ như, trong thời điểm khó khăn đó, Âu Cơ và Lạc Long Quân trở thành những “đức tin” để các tác giả nương tựa vào. Mượn xưa để nói nay, lấy quá khứ làm điểm tựa cho hiện tại là hiện tượng dễ bắt gặp trong thơ ca viết về biển đảo.
Mã lịch sử
Lịch sử biển đảo Việt Nam là những trang viết đẫm máu và nước mắt. Suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, không ít lần dân tộc ta chứng kiến hành động ngang ngược của quân giặc khi chúng ngang nhiên xâm lấn biển quê hương. Trong đó, hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa là những cuộc đối đầu khốc liệt giữa ta và địch để khẳng định chủ quyền biển đảo, biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu, máu của họ hoà vào biển mặn như một lời thề gắn bó trọn đời với hải phận thiêng liêng. Những cuộc chiến đấu đến phút cuối đầy mất mát, đau thương nhưng cũng vô cùng hào hùng, oanh liệt để bảo vệ biển đảo Việt Nam đã trở thành chất liệu quý giá của văn chương nghệ thuật. Thơ ca không phải là thể loại văn học thuận lợi để người cầm bút ghi lại một cách tỉ mỉ, cụ thể từng sự kiện lịch sử trong tiến trình giữ gìn chủ quyền hải phận. Để dựng lại không khí lịch sử, từ điểm nhìn hiện tại hướng về quá khứ, các tác giả đã chọn lọc và mã hoá chiến tranh thành những ký hiệu cùng nằm trong một hệ thống, gọi chung là mã lịch sử.
Sau hải chiến Hoàng Sa năm 1974 - cuộc đối đầu giữa hải quân Việt Nam Cộng hoà với hải quân Trung Quốc, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn nuôi giấc mộng xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thực chất, tham vọng thôn tín hải phận Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, của người Trung Quốc đã có từ ngàn xưa. Cuộc thảm sát Gạc Ma vào ngày 14 tháng 03 năm 1988 mãi là một sự kiện bi tráng không thể nào quên trong lịch sử biển đảo của dân tộc ta. Gạc Ma là bãi đá cạn thuộc cụm đảo Sinh Tồn, thường chìm sâu xuống nước mỗi khi thuỷ triều lên. Đầu tháng 03 năm 1988, hải quân Trung Quốc huy động lực lượng đến quần đảo Trường Sa thăm dò, chuẩn bị cho một cuộc tấn công trong tương lai gần. Đỉnh điểm của sự kiện ấy là khoảnh khắc bi hùng của hải quân Việt Nam, một lòng quyết tâm giữ đảo và lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. 64 chiến sĩ anh dũng đối đầu với hải quân Trung Quốc và hy sinh trong tư thế nắm tay nhau kết thành vòng tròn bất tử. Gạc Ma, 64 chiến sĩ hải quân, lá cờ đỏ sao vàng, họng súng... là những ký hiệu kết nối cùng nhau tạo thành mã lịch sử, xuất hiện nhiều lần trong thơ viết về hình tượng người lính biển từ năm 1975 đến nay.
Cuộc hải chiến Gạc Ma đã được Thanh Thảo lồng ghép trong lời kể của chủ thể trữ tình với một công dân nước Việt, đó cũng là lời nhắn nhủ của tiền nhân với hậu thế, không bao giờ được lãng quên lịch sử dân tộc: “Gạc Ma Gạc Ma/ hãy kể cho con cháu anh điều này:/ có những người lính đảo đã chết theo vòng tròn/ tay họ giăng ra và xiết chặt tay nhau/ như một tràng hoa biển” (Chân sóng). Không phải ngẫu nhiên mà Lê Huy Mậu đặt ra giả thiết trớ trêu (đồng thời là nhan đề của bài thơ): Nếu tôi là người Trung Quốc!. Bởi khi “là người Trung Quốc”, nhà thơ sẽ hiểu được cội nguồn của mối thù thâm căn cố đế của người Trung Quốc, được thoả mãn bằng hành động thảm sát đối với 64 chiến sĩ hải quân ta: “Từ đảo Cô Lin/ Chúng tôi nhìn qua đảo Gạc Ma/ Qua ống nhòm thấy rõ/ Người Trung Quốc đang muốn gì ở biển Đông/ Chúng tôi neo tàu cách Gạc Ma chừng hai hải lý/ Trước anh linh 64 chiến sĩ đã vì nước hy sinh/ Chúng tôi thề cùng các anh bảo vệ chủ quyền biển đảo/ Dù giặc mạnh, giặc đông/ Nhưng cả nước đồng lòng/ Sẽ chẳng có kẻ thù nào mà chúng ta không thắng nổi”. Trong trường ca Biển mặn, ở trường đoạn Hải chiến, mã lịch sử đã giúp Nguyễn Trọng Tạo tái hiện thành công thời khắc căng thẳng, bất chấp họng súng quân thù, hải quân Việt Nam đoàn kết giữ vững trên tay lá cờ Tổ quốc trên đảo đá Gạc Ma: “Cờ Việt Nam bay trên đảo Gạc Ma/ Như ngọn lửa đỏ tươi giữa mùa rét mướt/ Những chiến sĩ công binh tôn cao cờ Tổ quốc/ Có biết chăng lũ giặc đã tràn lên/ Chúng tràn lên từ những chiếc thuyền nhôm/ Lăm le súng và mắt trừng quỷ dữ/ Chúng bắt ta hạ xuống cây cờ đỏ/ Cờ chủ quyền trên đảo Việt Nam ta”. Những ký hiệu trên cũng được nhắc đến trong không gian đậm màu sử thi, không gian bi hùng của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo qua trường ca Ngang qua bình minh của Lữ Mai: “lạnh tanh bầy ác quỷ/ chúng xả súng đâm lê/ mỗi chúng tôi là một lá cờ/ vây quanh đảo nhỏ”; và phẩm chất anh dũng, kiên trung của người lính biển càng hiện ra rõ hơn khi Nguyễn Việt Chiến soi chiếu từ bức chân dung của những người đã lấy thân mình đỡ đạn để giữ đảo: “Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma/ Các anh lấy ngực mình làm lá chắn/ Để một lần Tổ quốc được sinh ra/ Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm”, “Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/ Phút cuối cùng đảo đá hoá biên cương/ Anh đã lấy thân mình làm cột mốc/ Chặn quân thù trên biển đảo quê hương” (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra). Gặp nhau ở mã lịch sử, hầu như đa số những bài thơ về biển đảo đều sử dụng thủ pháp lý tưởng hoá để bất tử hình tượng người lính biển. Đặt người lính biển trong không gian của biển đảo, không gian của cuộc hải chiến khốc liệt, các tác giả đã làm bật nổi vẻ đẹp bi tráng, phẩm chất dũng cảm, tinh thần xông pha, cùng tấm lòng yêu nước nồng nàn. Họ hào hùng, hiên ngang trong chính khoảnh khắc hy sinh. Họ đã hoá thành hồn thiêng sông biển, là minh chứng của Tổ quốc triệu triệu người con cảm tử, anh hùng.
Cuộc hành trình xê dịch từ ký hiệu đến biểu tượng
Mỗi lĩnh vực có một cách lý giải khác nhau về biểu tượng. Chẳng hạn, nhóm tác giả Chevalier Alain Gheerbrant (1997) khẳng định: “Biểu tượng chia ra và kết lại với nhau, nó chứa hai ý tưởng phân ly và tái hợp, gợi lên ý một cộng đồng, đã bị chia tách và có thể tái hình thành” [Chevalier và cộng sự; xxiii]; hay Trần Thiện Khanh (2014) cho rằng: biểu tượng “là sự thay thế của cái biểu đạt này bằng cái biểu đạt khác; ở đó cái được biểu đạt luôn vắng mặt, cái biểu đạt xuất hiện như là cái ký hiệu ám chỉ” [Hồ Thế Hà và Nguyễn Thành; 66]. Từ ký hiệu đến biểu tượng - công trình nghiên cứu nổi bật của Trịnh Bá Đĩnh - lại dẫn ra quan niệm đồng nhất ký hiệu với biểu tượng, tiêu biểu là E. Cassirer và C. Pierce hoặc biểu tượng là một dạng ký hiệu đặc biệt, tiêu biểu là Iu. Lotman, T. Todorov, S. Freud,... Vận dụng những quan điểm mà Trịnh Bá Đĩnh dẫn ra để đọc thơ viết về người lính biển từ năm 1975 đến nay, chúng tôi nhận ra cuộc hành trình xê dịch từ ký hiệu đến biểu tượng, nghĩa là một số ký hiệu (khi đã đáp ứng được một số tiêu chí nhất định) tự nó chuyển hoá thành biểu tượng lung linh trên mảng văn học về biển đảo Việt Nam.
Thoát thai khỏi phạm vi của ký hiểu, người lính biển đã trở thành biểu tượng lớn trong thơ từ năm 1975 đến nay. Chúng tôi không gọi người lính biển là hình tượng mà xem họ như một biểu tượng bởi tính phổ quát của biểu tượng, từ sự tập hợp của những ký hiệu ám chỉ. Hầu như, trong các bài thơ về biển đảo không thể thiếu bóng dáng của người lính đảo. Trong cảm thức của dân tộc, người lính nói chung và người lính hải quân nói riêng là biểu tượng đẹp, uy nghiêm, được kết tinh từ tinh hoa, khí phách của dân tộc, một biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước. Những ký hiệu như bộ quân phục, cầm súng, ánh mắt, tiếng hát... đã kết nối với nhau hình thành nên biểu tượng người lính biển. Có thể bắt gặp điều đó trong trường đoạn Lính biển (trường ca Biển mặn) của Nguyễn Trọng Tạo: “Mặc bộ quân phục hải quân màu xanh/ và trắng/ Như sóng biển hai màu/ Tôi thành lính biển”, “Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi/ nắng cháy da và rét buốt xương/ gió xé rách áo quần/ mưa ném nghiêng mũ cối”. Biểu tượng người lính biển trong thơ Nguyễn Trọng Tạo có mối quan hệ mật thiết với hệ thống ký hiệu về biển, đảo (sóng, cát, biển, đất cằn, đá cỗi, nắng, gió...), qua đó, nhà thơ khắc hoạ cuộc sống vất vả, gian khổ của người lính trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ký hiệu “áo vải” vốn gắn người anh hùng áo vải trong văn học trung đại đã được Nguyễn Hữu Quý sử dụng như một ký hiệu gắn kết với các ký hiệu khác, xê dịch thành biểu tượng người lính biển cảm tử hy sinh trong cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa: “bão nổi/ sóng gầm/ tả tơi/ ngực biển/ dân binh/ áo vải/ chân không/ lựa gió/ cắt sóng/ cặp bãi cát vàng/ đặt/ mốc non sông/ Việt!” (Gọi Hoàng Sa). Biểu tượng người lính biển trong thơ Hữu Quý thấp thoáng dáng dấp của người anh hùng thuở xưa, tầm vóc sánh ngang cùng biển trời đất nước. Giang Nam - nhà thơ của xứ “rừng trầm, biển yến” đã viết về Trường Sa - huyện đảo quê mình bằng những vần thơ ngợi ca, tràn đầy tình yêu và niềm kiêu hãnh. Từ những ký hiệu như “đứng dưới cờ bay”, “như cây phong ba”, “bàn tay gân guốc”... Giang Nam đã xây dựng thành công biểu tượng người lính biển với lòng kiên định, ý chí sắt đá, tinh thần vượt khó và tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc sắt son: “Những người đã ra đi không khuất phục/ Những người đang đứng dưới cờ bay/ Song Tử, Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết/ Như cây phong ba ngàn thuở bám đất này” (Huyện đảo quê hương). Để làm tăng tính thiêng liêng của biểu tượng, các tác giả đã chọn cách bất tử hoá người lính biển, đặc biệt trong khoảnh khắc hy sinh: “sáu mươi tư người lính ngã xuống/ hai sáu năm rồi không nhắm mắt/ hai sáu năm rồi/ máu chảy giữa lòng ta” (Trường Sa, Đặng Huy Giang), “Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm” (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Nguyễn Việt Chiến)... Đó là những dòng thơ được viết bằng cảm hứng hướng về lịch sử, các tác giả đã dựng lên trong thơ bức tượng đài bi tráng của người lính biển trong những cuộc chiến tranh đẫm máu trên biển Đông với vẻ đẹp hào hùng, khí thế oai phong, lẫm liệt ngay cả trong giây phút ra đi. Có thể nói, với người lính biển, Hoàng Sa, Trường Sa và hải phận của Tổ quốc chính là lẽ sống: “Chúng tôi - một phần máu thịt của Trường Sa” (Lời người lính ở đảo Sơn Ca, Đặng Huy Giang). Họ đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo mà tiền nhân đã tạo dựng. Bởi thế, biểu tượng người lính biển không chỉ đẹp trong văn chương nghệ thuật mà còn sáng ngời trong cuộc sống đời thường, in sâu vào lòng nhân dân.
Song song với biểu tượng người lính biển chính là biểu tượng cờ Tổ quốc. Hai biểu tượng này có mối quan hệ mật thiết với nhau, nói cách khác, người lính biển sẵn sàng ra đi chiến đấu, thậm chí hy sinh thân mình để giơ cao ngọn cờ Tổ quốc. Màu cờ đỏ sao vàng Tổ quốc là minh chứng cho truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc từ bao đời, quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, hải phận; là màu của chính nghĩa, của khát vọng tự do, khát vọng hoà bình. Cũng như sự vững vàng, uy nghiêm của người lính biển trước thiên nhiên khắc nghiệt, trong mưa bom bão đạn; lá cờ Tổ quốc vẫn phấp phới bay cao trong những thời khắc khốc liệt nhất của lịch sử, trong cuộc sống đời thường. Lá cờ Việt Nam đã vượt qua sự thử thách của lịch sử: “Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/ Phút cuối cùng đảo đá hoá biên cương/ Anh đã lấy thân mình làm cột mốc/ Chặn quân thù trên biển đảo quê hương” (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Nguyễn Việt Chiến). Lá cờ Việt Nam, rộng hơn là Tổ quốc Việt Nam đã trở thành lẽ sống của bao người dân nước Việt, của anh chiến sĩ hải quân, khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ, xúc động và thiêng liêng nhất trong lòng người lính: “Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió/ Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa/ Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/ Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhoà” (Thao thức Trường Sa, Nguyễn Thế Kỷ). Như đã nói, biểu tượng lá cờ và biểu tượng người lính biển có mối liên hệ chặt chẽ không thể cắt rời, và trong một số trường hợp nhất định, lá cờ ấy chính là hiện thân của người lính biển. Nói cách khác, người lính biển đã hoá thành lá cờ Tổ quốc: “mỗi chúng tôi là một lá cờ/ vây quanh đảo nhỏ/ lá cờ như vòng tay/ lá cờ như tuổi trẻ/ đôi mươi trào dâng cơn dâu bể/ biến ảo điêu linh trước đạn quân thù/ sau mỗi gương mặt kiên trung lặng im/ là trong ngực một lá cờ reo vẫy/ mỗi chúng tôi hoá một lá cờ/ bay vụt lên giữa biển” (Ngang qua bình minh, Lữ Mai). Lời thơ gợi nhắc đến sự kiện 64 chiến sĩ hy sinh trong cuộc hải chiến Gạc Ma năm 1988, khi đó, mỗi chiến sĩ là hiện thân của một lá cờ. Biểu tượng lá cờ vì thế trở nên thiêng liêng, cao đẹp hơn, bởi lá cờ được vẽ nên bằng máu xương của bao người nằm xuống.
Với hai biểu tượng đẹp là người lính biển và lá cờ Tổ quốc, các tác giả đã cất cao bài ca Tổ quốc, bài ca giữ nước - nhìn từ phía biển Đông. Những biểu tượng này cũng là minh chứng sống động cho cuộc hành trình xê dịch từ ký hiệu đến biểu tượng, khẳng định mối quan hệ tương hỗ của những yếu tố độc đáo này.
Biển đảo nói chung, người lính biển nói riêng là những đề tài xuyên suốt trong văn họcViệt Nam từ xưa đến nay. Đặc biệt, không khí sáng tác về biển đảo Tổ quốc từ năm 1975 đến nay trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Bởi sau năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nước, quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, các tác giả có điều kiện nhìn nhận lại vấn đề biển đảo và phản ánh trong các sáng tác văn chương. Trong thơ ca từ năm 1975 đến nay, biển đảo được nhìn từ nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau, trong đó có góc nhìn lịch sử, góc nhìn thực tiễn... Người cầm bút thức thời nhận ra tình hình biển đảo quê hương trong từng giai đoạn khác nhau, kịp thời phản ánh, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn và đánh thức ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với biển đảo và Tổ quốc. Dưới ánh sáng của lý thuyết ký hiệu học, ta có thể bắt gặp nhiều ký hiệu văn hoá độc đáo, lặp đi lặp lại trong văn học biển đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, từ trong thơ, độc giả có thể bắt gặp biểu tượng người lính biển với ngoại hình, hành động, tính cách, phẩm chất, tâm hồn... và biểu tượng lá cờ Tổ quốc uy linh, rực rỡ. Người lính là biểu tượng đẹp đẽ của con người yêu nước, là tấm gương sáng ngời về hình ảnh con người vì nước quên thân; lá cờ là biểu tượng của lòng yêu nước, cột mốc biên cương, chủ quyền đất nước. Tất cả những nội dung đó đã được các tác giả thể hiện trong thơ, qua những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, dù cùng viết về một đề tài (biển đảo) nhưng hầu như bài thơ nào cũng mang dấu ấn cá nhân và sự sáng tạo độc đáo của người cầm bút.
Thơ ca nói riêng, văn học viết về biển đảo nói chung đã hoàn thành sứ mệnh khẳng định chủ quyền biển đảo. Các tác giả đã kế thừa xuất sắc, tiếp nối và làm phong phú thêm
mảng đề tài biển đảo, đồng thời cho thấy vị trí quan trọng của mảng đề tài này trong nền văn học dân tộc. Trong tương lai, có thể tin rằng, văn học viết về đề tài biển đảo sẽ còn phát triển hơn nữa, có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà và tác động mạnh mẽ vào nhận thức, tâm hồn của người đọc. Bởi lẽ, viết về biển đảo không chỉ là chuyện của một thời đại, cũng như việc bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc vốn dĩ là chuyện của muôn đời.
TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh - ThS. Phạm Khánh Duy
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cultural semiotics (Ký hiệu học văn hoá), Iu. Lotman (2015), NXB Đại học Quốc Gia HN
Lê Huy Bắc (2018), Ký hiệu và liên ký hiệu, NXB Tổng hợp TP HCM
Trương Đăng Dung (2013), Tác phẩm văn học nhìn từ lý thuyết tiếp nhận, NXB KH XH
Lê Thị Hường (2021), “Liên ký hiệu trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái”, Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục, Tập 11, Số 01 (2021), 172-178
Chavalier, Jean và Gheerbran, Main. 1997. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng: Nhà Xuất bản Đà Nẵng và Trường viết văn Nguyễn Du.
Hồ Thế Hà và Nguyễn Thành (Chủ biên). 2014. Phân tâm học với văn học. Huế: Nhà Xuất bản Đại học Huế.